“Nhảy múa đến chết - Dancing Plague là thuật ngữ tiếng Anh nói về căn bệnh lạ diễn ra thời Trung cổ, dịch nhảy múa điên loạn, hay “vũ điệu tử thần” khiến hàng trăm người cùng nhau nhảy múa đến kiệt sức, tắt thở. Vậy nguyên nhân gây bệnh do đâu, các nhà khoa học thế giới đã tìm ra lời giải?
Những ca bệnh đầu tiên
Theo y văn thế giới, Nhảy múa đến chết diễn ra từ thế kỷ 13-14, suy yếu vào cuối thế kỷ 18. Các triệu chứng của Nhảy múa đến chết là thôi thúc khiêu vũ, nhảy hoang dã, ca hát tới mức không thể kìm chế dẫn đến tử vong. Trong nhiều trường hợp, có cả hành vi dâm ô, như diễu hành khỏa thân trên đường phố, thậm chí còn cả truy hoan công cộng. Đám đông đổ ra đường trong trạng thái mê sảng tăng dần về số lượng. Dịch Nhảy múa đến chết lan truyền nhanh chóng, người xem cũng sẽ bị lây nhiễm, tự rời bỏ nhà tham gia, trong đó phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân trực tiếp.
Vào đêm Giáng sinh năm 1027, 18 nông dân khi đang tham dự Lễ Giáng sinh tại Bernburg, Đức bắt đầu có dấu hiệu phát bệnh, nhảy múa và la hét liên tục. Hậu quả, 4 trong số này tử vong, số còn lại kiệt sức và mắc chứng run rẩy chân tay. Năm 1237, hơn 100 trẻ em ở Erfurt, Đức bị nhiễm dịch Nhảy múa đến chết, bắt đầu nhảy múa trên đường phố cho đến khi ngã quỵ. Nhiều trẻ trong số này tử vong, số sống sót lại mắc chứng run toàn thân vĩnh viễn.
Tháng 6/1278 dịch “nhảy múa đến chết” bùng phát tại thị trấn Utrecht, Hà Lan, 200 người bắt đầu nhảy múa điên dại trên cầu Mosel làm cây cầu này bị sập, làm cho toàn bộ 200 người bị nước cuốn trôi. Sau một thời ngủ yên, năm 1374 dịch “nhảy múa đến chết” lại xuất hiện tại thị trấn Aix-la-Chapelle, Đức. Những người mắc bệnh nắm tay nhau nhảy múa nhiều giờ trong “cơn mê hoang dã” và cuối cùng kiệt sức đổ gục kêu rên, đau đớn. Nhiều nạn nhân bị biến chứng bị mất thị lực, phát sinh ảo giác, la hét và gọi tên các loại rượu mạnh hoặc nhân vật thánh thần.
Vài tháng sau khi sự cố Aix-la-Chapelle xảy ra, dịch “nhảy múa đến chết” xuất hiện tại vùng Cologne, Đức với trên 500 người mắc bệnh. Cùng thời gian này tại Metz, Pháp 1.100 mắc bệnh và nhiều người bị tử vong. Theo tạp chí y học Chambers Edinburgh Journal của Anh thì dịch “nhảy múa đến chết” là hậu quả của dịch hạch Black Plague mang lại, gây ra hàng loạt các biến cố tôn giáo, xã hội và kinh tế, ảnh hưởng trầm trọng đến tiến trình lịch sử châu Âu và phải mất 150 năm sau dân số châu Âu mới hồi phục được.
Căn bệnh với nhiều tên gọi
Phải nói ngay, dịch “nhảy múa đến chết”, hay dịch nhảy múa kéo dài nhiều thế kỷ, chứa đựng nhiều điều huyền bí, nó được gọi bằng những cái tên khác nhau như bệnh Tarantism ở Italia, Dance of St. John và St. Vitus (Đức), hoặc ở một số vùng, nó còn được gọi là bệnh dịch hạch ma quỷ.
Người Italia gọi là Tarantism hay bệnh nhảy múa “tarantism”, và tin rằng đây là căn bệnh do vết cắn từ nhện tarantula, nhưng ở một số nơi châu Âu không có nhện tarantula mà vẫn phát bệnh. Chuyện đồn rằng, những người mắc bệnh khi ngủ dậy bỗng dưng thấy đau từ một vết cắn của nhện tarantula. Ngay sau đó đã xuất hiện ham muốn hoang dã, muốn nhảy múa.
Sang thế kỷ 14, “nhảy múa đến chết” còn được gọi là điệu nhảy Thánh Giôn (Dance of St. John). Điệu nhảy có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 4, người Đức sửa đổi lại bằng cái tên Nodfyr. Đây là một phần của lễ hạ chí, nhảy qua đống lửa để khói thanh lọc và bảo vệ con người khỏi mắc các chứng bệnh nan y vào mùa đông. Năm 1418, tại thị trấn vùng hạ lưu sông Rhine, Đức đã xuất hiện dịch Nhảy múa đến chết nhưng người ta lại gọi là dịch nhảy St. Vitus Dance. Còn ở Bỉ dịch Nhảy múa đến chết xuất hiện cùng với “bầy thiên nga vũ công” di chuyển từ thị trấn này qua các thị trấn kia trong nhiều ngày liên tục và được gọi là bệnh dịch hạch quỷ ám.
Hình minh họa những ca đầu tiên liên quan đến bệnh “nhảy múa đến chết”.
Những giả thiết mới về dịch
Đến nay đã hàng trăm năm trôi qua nhưng nguyên nhân gây dịch “hảy múa đến chết” vẫn là bí ẩn, thách thức đối với khoa học hiện đại. Trong thế kỷ 17, Nhảy múa đến chết đã được chẩn đoán là chứng múa giật Sydenham. Theo Thư viện Y khoa Mỹ, múa giật Sydenham là một triệu chứng cấp tính của bệnh sốt thấp khớp, thường gặp ở tuổi dậy thì. Trong khi một số triệu chứng hưng cảm nhảy lại giống với những bệnh nhân múa giật, gây kích thích như khi nhìn thấy thấy màu đỏ mà đến nay khoa học vẫn chưa lý giải được.
Một số nguyên nhân khác như bị ngộ độc nấm cựa gà (Ergot), gây ra ảo giác, co giật và thường do thay đổi thời tiết đột biến gây ra như lũ lụt và mưa nhiều làm cho nấm fungus claviceps purpura phát triển mạnh, loại nấm mốc này còn tìm thấy trên hạt lúa mạch đen. Một số vùng xảy ra dịch Nhảy múa đến chết trùng thời điểm loại nấm trên phát triển, nhưng có nơi lại không có.
Theo các nghiên cứu hiện đại sau khi phân tích sức khỏe tâm thần tại thời điểm diễn ra dịch Nhảy múa đến chết đã phỏng đoán, tất cả những người mắc bệnh là nhóm cuồng loạn bởi chứng hysteria, và bệnh tâm thần theo nhóm do stress thể nặng. Theo giả thiết của Giáo sư John Waller Đại học Michigan thì bệnh rối loạn tâm lý quần chúng này bắt nguồn tự sự mê tín dị đoan.
Phần lớn những người đang chết đói, không biết nương tựa vào đâu ngoài tín ngưỡng, sự sợ hãi tràn ngập trong tâm trí đã thôi thúc họ nhảy múa với niềm tin được Đấng Tối cao cứu rỗi. Thực tế, những người sống sót từ dịch hạch Black Plague (1347 - 1353) đều thuộc nhóm quá nhạy cảm với những bệnh dịch khác gây ra. Tâm lý học tin rằng những người qua khỏi bệnh dịch Black Plague là nhóm dễ kích động tập thể, dễ mắc dịch Nhảy múa đến chết cũng như bất kỳ loại bệnh truyền nhiễm nào khác.
Một nguyên nhân khác có thể lý giải việc bùng phát dịch Nhảy múa đến chết chính là nghi lễ của người Hy Lạp và La Mã cũng như nền văn hóa khác thời Trung cổ. Những người tham gia, kể cả những người hành hương từ nơi khác đến đều làm việc một cách quá cuồng nhiệt đến mức xã hội không thể chấp nhận, tàn dư của những nghi lễ này hiện vẫn còn tìm thấy trong các nghi lễ Thiên Chúa giáo.