Bếp lò tiết kiệm nhiên liệu được nhân rộng trong trường học

GD&TĐ - Hệ thống bếp lò đun nấu tiết kiệm nhiên liệu của cặp vợ chồng thầy giáo trẻ Bùi Ngọc Minh và cô Vũ Thị Hồng Ngân ra đời năm 2016, đang được hệ thống trường dân tộc của tỉnh Lào Cai nhân rộng.

Bếp lò tiết kiệm nhiên liệu tại Trường PTDTBT THCS Lử Thẩn (Si Ma Cai)
Bếp lò tiết kiệm nhiên liệu tại Trường PTDTBT THCS Lử Thẩn (Si Ma Cai)

Bắt nguồn từ tình yêu thương học trò

Thầy Minh tâm sự: Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường ĐHSP Hà Nội thầy đã về dạy học tại Trường THPT số 1 Bát Xát, nay thầy là Phó phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai.

Công việc giảng dạy của thầy gắn với học sinh miền núi. Nhất là mùa đông giá lạnh, thầy thương học trò trong các trường nội trú, bán trú thiếu nước nóng để đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân, rửa bát… Cái bếp kiềng đun củi trong các nhà trường dù đã huy động hết công suất nhưng vẫn không cung cấp đủ nước nóng sinh hoạt cho học trò.

Cảm thông trước sự thiếu thốn của các em học sinh, thầy Minh đã cùng với vợ là cô Vũ Thị Hồng Ngân, giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Lào Cai sáng chế ra chiếc bếp lò mới với ưu điểm tiết kiệm nhiên liệu.

Chiếc bếp lò mà vợ chồng thầy Minh sáng chế ra đã tận dụng nhiệt bếp lò khi đun nấu đồng thời cấp nhiệt cho nồi nấu cơm, thức ăn và hệ thống ống kẽm, nhiệt ống kẽm tăng lên làm cho nhiệt của nước bên trong ống tăng.

Nước chảy liên tục trong ống nên tạo ra một lượng lớn nước có nhiệt độ cao, phục vụ cho sinh hoạt của học sinh bán trú. Toàn bộ nhiệt khi nhiên liệu cháy được giữ trong bếp lò nên thất thoát ra ngoài ít, tiết kiệm nhiên liệu cho các trường học.

Tổ ấm gia đình thầy Bùi Ngọc Minh
Tổ ấm gia đình thầy Bùi Ngọc Minh

Nhân rộng trong các trường học

Chi phí sản xuất cho một chiếc bếp này không đắt. Nếu nguyên liệu sử dụng là sắt và kẽm thì giá thành sản phẩm khoảng 3 triệu, còn dùng inox thì hết khoảng 5 triệu.

Về kết cấu của bếp lò: Sử dụng đất thịt, đầm kỹ, sau đó khoét theo kích thước của từng nồi đun. Phía bên ngoài sử dụng gạch và vữa xây để tạo mỹ quan, đồng thời bảo quản bếp lâu dài, vừa giảm giá thành, vừa đảm bảo chịu nhiệt, giữ nhiệt, tiết kiệm củi khi các trường nấu cơm cho học sinh bán trú. Thời gian đun nấu rút ngắn, chỉ bằng 1/3 so với đun bếp cũ.

Triển khai thử nghiệm thành công ở lần đầu tiên, mô hình bếp lò tiết kiệm nhiên liệu đã áp dụng cho 4 trường học tiếp theo của Lào Cai. Trong năm học này, đã có khoảng 40 trường học của Lào Cai sử dụng. Đông nhất là huyện Bát Xát có 26 trường. Mô hình đang ngày càng nhân rộng trong hệ thống trường học các huyện và thành phố của Lào Cai.

Qua tìm hiểu thực tế ở huyện Bát Xát, Bắc Hà và Sapa, các trường học đều chung nhận xét: Bếp đun tiết kiệm nhiên liệu củi, tạo được nước nóng cho học sinh bán trú sinh hoạt mà không mất thêm kinh phí về nhiên liệu, công đun nấu. Đồng thời tiết kiệm nhiên liệu 2 lần vì sau khi nấu cơm có thể sử dụng nước nóng để nấu canh cho học sinh. Khi đun, không có khói trong bếp. Kinh phí trang bị 1 hệ thống bếp nhỏ, trong khả năng của các trường học.

Cụ thể, tại Trường PTDTBT THCS Nấm Lư, huyện Mường Khương, khi sử dụng bếp lò của thầy Bùi Ngọc Minh cho thấy, bếp mới cải tiến đã tiết kiệm 30% nhiên liệu. Thu được 15 lít nước nóng 70 độ C trong 1 phút. Đặc biệt, nếu để tốc độ nước chậm hơn sẽ thu được nước có nhiệt độ cao hơn. Kinh phí tạo ra bếp lò thấp: 3 triệu/bếp. Trong bếp hoàn toàn không có khói hoặc có rất ít.

Chiếc bếp lò tiết kiệm nhiên liệu đầu tiên của vợ chồng thầy giáo Minh đã ra đời vào năm 2016, được thử nghiệm ngay tại Trường Mầm non - Tiểu học và THCS Toòng Sảnh, huyện Bát Xát, cách thành phố Lào Cai 20km. Chiếc bếp cải tiến này đã tận dụng nhiệt của bếp lò để tạo ra nước nóng cho học sinh bán trú sử dụng, đưa toàn bộ khói ra ngoài, không ảnh hưởng tới bếp nấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ