Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu

GD&TĐ - Thời gian qua, Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu nhằm giúp người bệnh trên cả nước.

Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế. (Ảnh: T.N)
Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế. (Ảnh: T.N)

Đề án kỹ thuật chuyên sâu, hướng đến Trung tâm khám chữa bệnh hàng đầu

Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Y học lâm sàng, được thành lập vào năm 1998, được công nhận là Bệnh viện từ năm 2002. Đến nay, Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế là bệnh viện đa khoa hạng I tuyến tỉnh với quy mô 700 giường bệnh, tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên và kinh phí phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về việc về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về việc xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là 2 văn bản hết sức quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó xác định “Phát triển Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế theo mô hình Trường - Viện cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế” và phấn đấu xây dựng “Bệnh viện Trường là cơ sở thực hành, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật và cung cấp dịch vụ; tiến tới xây dựng Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế trở thành cơ sở thực hành lâm sàng đạt chuẩn khu vực và quốc tế, có cơ sở hạ tầng trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, triển khai các kỹ thuật cao, mũi nhọn và tiên tiến của y học thế giới. Phát triển lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ và y học tái tạo”.

Ngày 5/7/2022, Giám đốc Bệnh viện đã ký quyết định thông qua Đề án kỹ thuật chuyên sâu trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu chung của đề án là xây dựng và phát triển Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm dẫn đầu khu vực miền Trung và cả nước về khám chữa bệnh, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thường quy các kỹ thuật cao và tiên tiến của y học thế giới.

GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế (tháng 11/2023).

GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế (tháng 11/2023).

Đề án bao gồm các mục tiêu cụ thể: Xây dựng đội ngũ chuyên môn đầy đủ về số lượng, có kiến thức vững vàng và hiện đại, có năng lực tay nghề cao triển khai được thường quy các kỹ thuật chuyên sâu trong khám chữa bệnh và trong đào tạo; Tái cơ cấu tổ chức các đơn vị đảm bảo hiệu quả, phát huy được năng lực của đội ngũ chuyên môn; Chuẩn hóa quy trình thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu theo hướng chuyên nghiệp hóa mức cao đội ngũ tham gia thực hiện kỹ thuật; Xây dựng cơ sở hạ tầng, tái bố trí các đơn vị phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và mô hình bệnh tật, phát huy được thế mạnh của đơn vị; Trang bị lại, trang bị mới thiết bị y tế để tiếp tục phát huy và phát triển các kỹ thuật chuyên sâu đã có và triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại trong khám chữa bệnh.

Trang cấp thiết bị y tế hiện đại, triển khai hàng loạt kỹ thuật mới

Trong 2 năm vừa qua, Bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để từng bước hiện thực hóa đề án kỹ thuật chuyên sâu, trước mắt là các mục tiêu của giai đoạn 2022-2025. Bệnh viện đã khởi công xây dựng Trung tâm điều trị kỹ thuật cao có vốn tài trợ từ dự án ODA của chính phủ Ý; đưa vào áp dụng 3 quy trình quan trọng, bao gồm: Quy trình báo động đỏ nội viện, Quy trình sử dụng thuốc an toàn, và Tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh ngoại trú. Hàng loạt các kỹ thuật mới, chuyên sâu được áp dụng thành công trong những năm qua.

Riêng năm 2023, Bệnh viện đã khai trương hệ thống chụp mạch cao cấp số hóa xóa nền (DSA) là hệ thống trang thiết bị tiên tiến và hiện đại, được nhập khẩu từ châu Âu với thương hiệu Philips. Hệ thống có các ưu điểm vượt trội, được chuyên dụng cho các ứng dụng can thiệp các bệnh lý tim bẩm sinh, van tim, động mạch vành, động mạch não và mạch máu ngoại biên...

Từ khi đưa vào hoạt động hệ thống này, Trung tâm Tim mạch đã phối hợp với Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện thành công nhiều kỹ thuật can thiệp phức tạp, như đặt máy tạo nhịp hai buồng; can thiệp nội mạch điều trị hẹp động mạch chủ - chậu 2 bên bằng kỹ thuật Kissing Stent; can thiệp trường hợp tắc tĩnh mạch chủ trên và nhiều trường hợp can thiệp mạch khác. Bên cạnh hệ thống DSA hiện đại, Bệnh viện cũng đã đưa vào hoạt động máy siêu âm đàn hồi mô giúp việc chẩn đoán các bệnh lý các mô trên cơ thể như gan, u vú, nhân tuyến giáp… chính xác hơn.

Hệ thống DSA hiện đại theo công nghệ Châu Âu được Bệnh viện sử dụng từ tháng 11/2023. Trong ảnh là máy DSA đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng được y bác sĩ bệnh viện cứu bệnh nhân.

Hệ thống DSA hiện đại theo công nghệ Châu Âu được Bệnh viện sử dụng từ tháng 11/2023. Trong ảnh là máy DSA đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng được y bác sĩ bệnh viện cứu bệnh nhân.

Không chỉ triển khai nhiều thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, Bệnh viện còn cải tiến phương pháp kỹ thuật giúp phát huy tốt nhất các thiết bị này. Vừa qua, Bệnh viện đã ứng dụng thành công kỹ thuật hòa hình trong hướng dẫn sinh thiết khối u gan và cũng là đơn vị đầu tiên tại miền Trung thực hiện kỹ thuật này. Kỹ thuật hòa hình là một công nghệ tiên tiến nhất hiện nay giúp “trộn” nhiều hình ảnh thu thập từ các kỹ thuật khác nhau như siêu âm, cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ thành một hình ảnh tổng hợp, hiển thị đồng thời trên màn hình siêu âm thời gian thực, nhằm kết hợp và tối ưu hoá ưu điểm của từng kỹ thuật hình ảnh riêng biệt.

Trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo dụng cụ định hướng ổ cối trong phẫu thuật thay khớp háng và tối ưu hóa điều trị gãy xương vùng khớp theo xu hướng cá thể hóa. Ứng dụng in 3D trong phẫu thuật thay khớp và điều trị gãy xương vùng khớp còn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng đã cho thấy những tiềm năng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ biến chứng. Bên cạnh đó, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và Khoa Răng Hàm Mặt đã phối hợp để thực hiện ca phẫu thuật tái tạo xương hàm dưới bằng vạt vi phẫu xương mác trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật số 3D.

Sự phối hợp giữa các đơn vị để nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai thành công như: Đo mật độ xương quanh khớp nhân tạo hoặc quanh phương tiện kết hợp xương bằng kỹ thuật chùm tia xạ trên hệ thống đo mật độ xương của Pháp hiện đại nhất trong khu vực. Từ đó giúp điều trị phối hợp và theo dõi tình trạng loãng xương đạt kết quả lâu dài tốt hơn, chính xác hơn.

Bên cạnh đó là việc phục hồi chức năng sớm sau mổ tại các Khoa Ngoại giúp bệnh nhân sớm hồi phục và nhanh chóng quay lại hòa nhập với cộng đồng. Sự hợp tác nhịp nhàng giữa các khoa hệ Nội, hệ Ngoại và Gây mê hồi sức giúp bệnh nhân có các bệnh lý phối hợp vẫn sớm được phẫu thuật hoặc can thiệp các thủ thuật nhanh nhất và an toàn nhất có thể.

Ngoài ra, rất nhiều kỹ thuật chuyên sâu khác được thực hiện tại các khoa lâm sàng khác. Trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn, Bệnh viện tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới nhằm tăng tỷ lệ thành công như hệ thống theo dõi phôi liên tục; hỗ trợ thoát màng bằng hệ Laser Saturn 5 Active. Khoa Ngoại tiêu hóa triển khai ứng dụng kỹ thuật nội soi hoàn toàn ngoài phúc mạc mở rộng trường quan sát (eTEP) trong điều trị thoát vị thành bụng.

Khoa Ngoại Tiết niệu – Thần kinh tiếp tục phát huy thế mạnh, thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong nhiều năm qua như lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ; nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng ống soi mềm; bóc nhân tăng sinh tuyến tiền liệt bằng dao điện lưỡng cực và bằng laser; mổ u não vi phẫu xâm nhập tối thiểu; mổ vi phẫu lấy nhân đệm đốt sống cổ…

Khoa Mắt - Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt thực hiện thành công kỹ thuật cắt thanh thanh quản toàn phần cho bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn muộn; ứng dụng đường mổ nội soi cải tiến quanh xương lệ trong bệnh lý u nhú đảo ngược ở xoang hàm…

Với đội ngũ nhân sự có trình độ cao cùng với sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo Trường và Bệnh viện trong mô hình Trường - Viện, đề án phát triển kỹ thuật chuyên sâu của Bệnh viện đang từng bước được thực hiện thành công các mục tiêu đề ra. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng khám và điều bệnh, Bệnh viện vẫn luôn thường xuyên quan tâm tới các hoạt động công tác xã hội nhằm hỗ trợ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Vừa qua, nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Bệnh viện đã tổ chức chương trình Xuân yêu thương và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác để hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất, góp phần giúp người bệnh đón một cái Tết trọn vẹn và ấm cúng.

PGS.TS Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế (ngoài cùng bên trái) trao quà Tết cho bệnh nhân trong chương trình Xuân yêu thương 2024. (Ảnh: T.N)

PGS.TS Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế (ngoài cùng bên trái) trao quà Tết cho bệnh nhân trong chương trình Xuân yêu thương 2024. (Ảnh: T.N)

Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế, trên cả hai lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân và là bệnh viện thực hành chuẩn mực của Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế trong công tác đào tạo cán bộ y tế cho khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế

* Địa chỉ: 41-51 Nguyễn Huệ, Vĩnh Ninh, TP Huế, Việt Nam

0234 3847 146 - Đơn vị Văn phòng

0234 6278 944 - Đơn vị Tư vấn và Chăm sóc sức khỏe ban đầu

0234 3955 995 - Đơn vị Chăm sóc sức khỏe tại nhà

*Website: http://bvydhue.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nha khoa uy tín Nha Khoa Nhân Tâm Bệnh viện quốc tế Bệnh viện Emcas với xu hướng ghép mỡ