Bệnh viện tâm thần Hà Nội: Tích cực giảm thiểu rác thải nhựa

GD&TĐ - Thời gian qua, Bệnh viện tâm thần (BVTT) Hà Nội đang nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa tại bệnh viện, góp phần bảo vệ môi trường theo chủ trương chung của ngành y tế cả nước. Đây là việc làm cần thiết, trong bối cảnh việc phát triển hệ thống các cơ sở y tế đang phát sinh lượng rác thải nhựa ngày càng lớn…

Tại các cuộc họp, cán bộ y bác sỹ Bệnh viện tâm thần Hà Nội đều "nói không" với cốc nhựa. ​
Tại các cuộc họp, cán bộ y bác sỹ Bệnh viện tâm thần Hà Nội đều "nói không" với cốc nhựa. ​

Giảm thiểu rác thải nhựa

Là bệnh viện chuyên khoa hạng I, đầu ngành tâm thần của TP Hà Nội, BVTT Hà Nội có số giường bệnh nội trú là 450 và số người bệnh điều trị ngoại trú là 11.000 người bệnh.

Cùng với đó là 7 phòng chức năng, 9 khoa lâm sàng và 4 khoa cận lâm sàng với tổng số cán bộ viên chức: 416 người.  Bên cạnh đó là học sinh - sinh viên thực tập, khách đến làm việc, khách thăm, người nhà người bệnh….thường xuyên đi lại, hoạt động mỗi ngày. 

Chính vì thế, việc dùng các sản phẩm nhựa để tiện cho việc chăm sóc người bệnh là khá phổ biến và ngày một tăng cao. Trước thực trạng đó, bệnh viện đã đưa ra nhiều giải pháp và thực hiện đồng bộ đối với công tác khám chữa bệnh là tuyên truyền đến người bệnh và người nhà người bệnh cùng thực hiện.

Chia sẻ với báo GD&TĐ Ths.BS Trần Quyết Thắng - Phó Giám đốc BVTT Hà Nội cho biết, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, qua các buổi giao ban, hội nghị, lãnh đạo bệnh viện đều lồng ghép tuyên truyền phổ biến triển khai Chỉ thị tới tất cả các đơn vị, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc bệnh viện.

Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận tham gia của cán bộ y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Nhất là thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế.

“Bệnh viện tích cực sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa…”, Ths. BS Trần Quyết Thắng chia sẻ.

Thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn vị. Xây dựng kế hoạch tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh.Tuyên truyền đến người bệnh, người nhà người bệnh về tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe, bệnh tật và ô nhiễm không khí.

Bệnh viện yêu cầu nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn uống; thay thế các vật dụng bằng chất liệu khác như inox, thủy tinh, sành, sứ; sử dụng túi nilon tự phân hủy dùng một lần…để tránh gây ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe cho con người.

Rác thải nhựa không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà đang là vấn đề nóng hổi toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều sinh vật trên hành tinh Trái Đất, trong đó có con người. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa nhìn chung còn hạn chế, chưa có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon.

Đoàn thanh niên BVTT Hà Nội tích cực tuyên truyền về việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
 Đoàn thanh niên BVTT Hà Nội tích cực tuyên truyền về việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

“Chất thải nhựa không chỉ gây ảnh hưởng trong các cơ sở y tế, mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, xã hội. Chính vì thế, mỗi người dân nên có các giải pháp cá nhân nhằm hạn chế rác thải nhựa, trước hết là bảo vệ đời sống chính bản thân và gia đình mình, bảo vệ môi trường sống xung quanh, góp phần nâng cao ý thức xã hội…”, Ths.BS Trần Quyết Thắng nói.

Vì môi trường sạch, thân thiện

Theo số liệu tại Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế (ngày 16/8/2019) đưa ra: Ước tính có hơn 700 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất đến năm 2018; khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hằng năm, tổng cộng có khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.

Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày.

Ths.BS Trần Quyết Thắng cũng cho biết, thực hiện chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn 2019” mới đây Đảng ủy, Ban Giám đốc BVTT Hà Nội đã quán triệt thực hiện nghiêm túc và triển khai thực hiện có hiệu quả công văn số 4565/BTTMT-TTTNMT ngày 13/9/2019 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, công văn số 1333/MT-YT ngày 23/9/2019 của Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), công văn 4168/SYT-NVY ngày 25/9/2019 của Sở Y tế Hà Nội tổ chức các hoạt động hưởng ứng  chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn 2019”.

Theo đó, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch 364/KH-BVTTHN ngày 17/9/2019 về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong bệnh viện. Kết quả thực hiện giảm thiểu 50kg/tháng. Bằng các phương pháp sáng tạo như: xây dựng tiểu phẩm, sân khấu hóa các nội dung tuyên truyền đến cán bộ viên chức, người lao động nâng cao ý thức giảm thiểu chất thải nhựa trong bệnh viện.

“Chiến dịch đã thu hút được 410 người tham gia. Tổng lượng rác thải thu gom: 100kg/ngày. Tổng chiều dài rãnh được khơi thông: 200m. Tổng các công trình cấp thoát nước: 01 trạm xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm. Đồng thời, diện tích cây xanh chăm sóc; 0,5ha. Bệnh viện đã tổ chức cuộc thi: Sân khấu hóa…”, Ths. BS Trần Quyết Thắng thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ