Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ nỗ lực trong chống bệnh lao

GD&TĐ - Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực trong công tác phòng chống bệnh lao với quyết tâm chấm dứt căn bệnh này trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ là bệnh viện chuyên khoa hạng II, tuyến tỉnh, trực thuộc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, quy mô 200 giường bệnh.
Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ là bệnh viện chuyên khoa hạng II, tuyến tỉnh, trực thuộc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, quy mô 200 giường bệnh.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ đã tích cực, nỗ lực cùng quyết tâm trong công tác phòng chống lao theo đúng tinh thần chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao của Việt Nam năm 2024 là: “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”.

Chủ đề như một lời “hồi đáp”, hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng chống lao. Chủ đề năm nay cũng tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Quyết tâm chấm dứt bệnh lao

Bác sĩ CKII. Lê Anh Hải - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: Công tác phòng chống lao trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Chương trình chống lao Quốc gia. Mạng lưới phòng chống lao trên địa bàn thường xuyên được củng cố, kiện toàn, bao phủ từ tuyến tỉnh đến 100% các khu dân cư và được duy trì hoạt động thường xuyên.

Theo đó, năm 2023, toàn tỉnh khám bệnh cho 30.975 lượt bệnh nhân đạt 103% kế hoạch, trong đó có 14.039 lượt được xét nghiệm đờm đạt 45,3 %. Có 97 % người bệnh lao phổi AFB (+) phát hiện được thu nhận điều trị.

Chương trình chống lao của Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Chương trình Chống lao Quốc gia, của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương, của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ. Sự phối hợp của các tổ chức chính trị – xã hội, của các đơn vị trong và ngoài ngành trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Phòng điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ khang trang, đầy đủ tiện nghi.

Phòng điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ khang trang, đầy đủ tiện nghi.

Đồng thời, cơ sở vật chất được sửa chữa, nâng cấp. Trang thiết bị được bảo dưỡng, cấp mới (CTscanner, hệ thống xe Xquang lưu động kỹ thuật số, máy thở, Monitor, máy NSPQ, máy khí dung siêu âm, máy siêu âm tim mạch, máy đo khí máu, máy điện giải đồ, siêu âm tại giường, máy tạo oxy, máy xét nghiệm sinh hóa …) đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của Bệnh viện.

Bên cạnh những thuận lợi trên, Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ cũng gặp nhiều khó khăn như: Mô hình bệnh tật phức tạp (Bệnh nhân lao trên nền các bệnh lý mãn tính khác); một số người bệnh lao chưa tuân thủ hướng dẫn quy trình điều trị (chưa được quản lý) dẫn đến việc đánh giá kết quả điều trị còn khó khăn; người bệnh còn thói quen tự mua thuốc điều trị khi có các triệu chứng ho, khạc đờm gây khó cho phát hiện sớm bệnh lao; người dân chưa quan tâm đến lao tiềm ẩn.

Cùng với đó, hoạt động điều trị, quản lý bệnh nhân lao kháng còn nhiều khó khăn. Tình hình bệnh lao kháng thuốc diễn biến phức tạp, một số bệnh nhân dị ứng thuốc điều trị đã ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lao, Bác sĩ CKII. Lê Anh Hải - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục củng cố mạng lưới phòng, chống lao các tuyến. Đảm bảo duy trì thường xuyên, có chất lượng các hoạt động của chương trình triển khai tại bệnh viện và các tổ chống lao tuyến huyện.

Đẩy mạnh công tác sàng lọc, phát hiện bệnh nhân mới, bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân lao/HIV. Nâng cao chất lượng điều trị tại bệnh viện đối với bệnh lao, hỗ trợ quản lý, điều trị tại cộng đồng. Đa dạng hóa các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện. Chú trọng đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực tập trung vào chuyên khoa sâu, ứng dụng kỹ thuật mới.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền về bệnh lao và các bệnh phổi tại cộng đồng bằng nhiều hình thức để nâng cao kiến thức của người dân về bệnh lao và các bệnh phổi,...

Khu vực chờ khám bệnh tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ sạch đẹp.

Khu vực chờ khám bệnh tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ sạch đẹp.

Bệnh lao không chừa ai

Chị Trần Thị Th, 37 tuổi ở xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) bị đau cổ chân, đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi, bệnh ngày càng nặng lên do được chẩn đoán là viêm khớp. Chị Th đã đến Bệnh viện Phổi Phú Thọ khám. Sau khi chụp phim cho thấy hình ảnh tổn thương khớp do vi khuẩn lao. Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện do Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khang - Phó Giám đốc Bệnh viện hội chẩn và xác định bệnh nhân Th bị lao xương, đồng thời tiến hành điều trị thuốc theo phác đồ.

Bệnh nhân Nguyễn Thị N, 34 tuổi làm công nhân ở Cụm công nghiệp Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) bị sốt, đau đầu, khó thở. Vì nghĩ sốt thông thường nên chị tự mua thuốc về uống. Tuy nhiên, uống thuốc cả tuần vẫn không thấy khỏi, triệu chứng vẫn vậy, cơ thể bị suy nhược. Được người thân quen giới thiệu, chị Nh đã đến khám tại Bệnh viện Phổi Phú Thọ. Sau thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sỹ phát hiện chị bị lao màng phổi.

Theo Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó trưởng Khoa Lao ngoài phổi, Bệnh viện Phổi Phú Thọ chia sẻ, đối với bệnh nhân mắc lao xương phác đồ điều trị là một năm, trong đó hai tháng đầu tiên phải dùng thuốc tấn công ban đầu bệnh. Bệnh nhân mắc lao xương sẽ tiến triển chậm hơn các loại lao khác. Nếu trước đây, bệnh lao thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi, nhưng nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa.

Các y bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ tận tình khám chữa bệnh cho người dân.

Các y bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ tận tình khám chữa bệnh cho người dân.

Cũng theo Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoàng Yến, đáng lo nhất là bệnh lao diễn tiến âm thầm nên phát hiện muộn, từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì có khả năng lây sang rất nhiều người. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng lao theo đường máu bạch huyết đến cư trú, phát triển, làm tổn thương đầu tiên là phổi, rồi các cơ quan khác trong cơ thể người bệnh.

Dù vi trùng lao chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó nhưng có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, kém ăn, gầy, sụt cân, da xanh, thiếu máu, buồn nôn... Con đường lây nhiễm chủ yếu qua bụi trong không khí, qua hô hấp, do những giọt nước bọt, đờm, nhớt li ti bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, giao tiếp với người xung quanh.

Chủ động phát hiện và điều trị bệnh lao

Thời gian qua, nhằm tăng cường sự nhận biết của người dân và các nhóm nguy cơ cao về bệnh lao, lao kháng thuốc, bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản...đồng thời tăng cường khám phát hiện, chẩn đoán, thu nhận điều trị các trường hợp mắc lao và củng cố, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác khám phát hiện, điều trị các bệnh hô hấp khác.

Trong năm 2023, Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các Trung tâm Y tế (TTYT): Việt Trì, TX Phú Thọ, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Ba,... tổ chức sàng lọc tại cộng đồng tại 10 xã/huyện với các hoạt động như phỏng vấn người có các dấu hiệu nghi lao, chụp Xquang phổi, xét nghiệm đờm tìm AFB, những trường hợp có AFB (+) được xét nghiệm GenXpert để chẩn đoán lao kháng thuốc.

Bên cạnh đó, Bệnh viện tỉnh Phổi Phú Thọ còn phối hợp với TTYT Cẩm Khê, Việt Trì tổ chức lồng ghép sàng lọc lao cho công nhân trong các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho công nhân được tiếp cận dễ dàng với dịch vụ sàng lọc lao sớm. Kết quả đã phỏng vấn 8.109 người, chụp Xquang phổi 7.926 ca, xét nghiệm GeneXpert 554 mẫu,...

Tuyên truyền công tác phòng chống lao tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ.

Tuyên truyền công tác phòng chống lao tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ.

Theo Bác sĩ CKI. Nguyễn Mạnh Khang - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Phú Thọ, mặc dù người dân đã có ý thức phòng, chống bệnh lao; các phương tiện như hệ thống xe Xquang kỹ thuật số lưu động hỗ trợ chẩn đoán sớm lao, người dân đã tích cực hưởng ứng với dịch vụ chụp Xquang tại cộng đồng nhưng đối tượng sàng lọc lao vẫn chủ yếu tập trung nhóm người cao tuổi.

Đối với nhóm đối tượng nguy cơ, nhóm tuổi lao động và học sinh, sinh viên tiếp cận sàng lọc chưa cao. Chưa thống kê được đầy đủ các đối tượng nguy cơ (ngoài đối tượng người tiếp xúc), sinh phẩm Mantoux, thuốc điều trị Chương trình chống lao Quốc gia chưa đảm bảo thường xuyên.

Đối với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ Bệnh viện Phổi Phú Thọ đã quyên góp, ủng hộ quà, hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân khi nằm điều trị tại bệnh viện, đồng thời kêu gọi vận động ủng hộ bằng hình thức nhắn tin (TB gửi 1402) cho Quỹ PASS-TB, mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng.

Có thể thấy, hiện nay, Bệnh lao phổi đã có thể điều trị dễ dàng, hầu hết người bị lao phổi đều có thể chữa khỏi bệnh nếu chủ động phát hiện và tuân thủ phác đồ điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ