Chiều 27/5, trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, ông Phan Trọng Nhơn - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã yêu cầu khoa Phụ sản họp, báo cáo đánh giá toàn bộ quá trình điều trị cho sản phụ Đ.T.H., đồng thời đã gửi báo cáo nhanh cho Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk để có đánh giá và chỉ đạo chuyên môn.
Theo đánh giá của Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sản phụ Đ.T.H. tử vong được chẩn đoán là do “Thuyên tắc ối”.
Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh nơi sản phụ Đ.T.H. tử vong trong quá trình sinh con (ảnh: TT). |
Báo cáo ban đầu của Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh nêu: Lúc 14 giờ 8 phút ngày 24/5/2023, sản phụ Đ.T.H., (sinh năm 1990, địa chỉ tổ 8, phường Nghĩa Phú, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) nhập viện với tình trạng: tỉnh táo, tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng; các chỉ số bình thường, chẩn đoán: thai con rạ 39 tuần 6 ngày.
Lúc 20 giờ 00 phút ngày 24/5/2023, sinh hiệu ổn định, Sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ: Đau bụng, có cơn go tử cung thưa, tim thai 147 lần/phút, khám trong cổ tử cung mở 02 cm, xóa 70%, ngôi đầu, ối còn, âm đạo huyết sậm màu.
Sau đó, Bệnh viện theo dõi chu kỳ chuyển dạ, dự sinh đầy đủ và các chỉ số đều bình thường.
Đến 6 giờ 55 phút ngày 26/5/2023, sản phụ tỉnh táo, tiếp xúc được, sinh hiệu ổn, bụng mềm, tim thai 146 lần/phút, tử cung gò 3-4 cơn/10 phút, cổ tử cung 4 cm xóa 70%, ngôi đầu, ối còn... Bác sĩ tư vấn cho người bệnh và gia đình phương pháp giảm đau sản khoa và gia đình đã đồng ý.
Tuy nhiên, lúc 7 giờ 10 phút ngày 26/5/2023, trong lúc bác sĩ gây mê khám tiền mê: Sản phụ đột ngột than khó thở, xuất hiện tím tái toàn thân.
Lúc này, các bác sĩ cho người bệnh thở oxy tình trạng tri giác xấu nhanh, sản phụ khó tiếp xúc, dấu hiệu sinh tồn qua Monitor: Mạch: 94 lần/phút, huyết áp: 120/70 mmHg, SPO2: 80-84%, tim thai 100-110 lần/phút. Chẩn đoán, suy thai cấp/thai con rạ đủ tháng chuyển dạ/mẹ suy hô hấp cấp chưa rõ nguyên nhân nghi thuyên tắc ối.
Các bác sĩ tiếp tục xử lý bằng cách cho thở oxy qua mặt nạ 8 lít/phút không hiệu quả, chuyển qua bóp bóng. Mời hội chẩn toàn viện khẩn cấp và thống nhất mổ lấy thai cấp cứu. Giải thích cho gia đình chuyển mổ cấp cứu.
Đến 7 giờ 15 phút ngày 26/5/2023, Gây mê hồi sức nhận bệnh: Sản phụ tiếp xúc khó, tím tái, bóp bóng bằng Ambu, nổi vấn tím nhiều ở tay chân, thân mình, môi tím, mạch khó bắt, huyết áp chưa đo được, SPO2: 76 % (bóp bóng với oxy 100%).
Lúc này, xử lý bằng Ephedrin 30mg x 01 ống, tiêm tĩnh mạch chậm 6 mg. Đặt ống nội khí quản, thở máy. Tiến hành phẫu thuật lấy thai cấp cứu. Sưởi ấm 380C cho sản phụ.
Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, trong quá trình mổ lấy thai, các bác sĩ đã mổ lấy ra một bé gái nặng 3400gr, APGAR: 1 phút/5 phút: 6/8. Đồng thời đã tiến hành các biện pháp cầm máu tích cực nhưng không hiệu quả, tiến hành cắt tử cung. Tiếp tục hồi sức tích cực trên bàn mổ: Đặt catherter đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, thở máy, lập 2 đường truyền ở hai tay, truyền 10 đơn vị máu, trong đó có 03 đơn vị máu tươi, thuốc và truyền dịch nhưng tình trạng của sản phụ không cải thiện.
Sản phụ tử vong lúc 10 giờ 20 phút ngày 26/5/2023. Sau đó đã mời người nhà vào giải thích tình trạng của sản phụ và đề nghị mổ tử thi để xác định nguyên nhân nhưng chồng của sản phụ không đồng ý mổ tử thi, ghi hồ sơ và xin đưa về nhà.
Hiện tại tình trạng của bé gái mẹ Đ.T.H. ổn định và được theo dõi chăm sóc tại khoa Nhi sơ sinh.
Về phía gia đình sản phụ, Bệnh viện đã giải thích tình trạng bệnh và hỗ trợ xe đưa về nhà.
Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, sáng 24/5/2023, chị Đ.T.H., nhập viện chờ sinh mổ tại phòng 115, Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh.
Theo người nhà chị Đ.T.H, khi nhập viện, sức khỏe sản phụ bình thường.
Đến trưa 25/5, sản phụ được đưa vào phòng đo tim thai thì phát hiện tim thai đập nhanh.
Lúc này, sản phụ cũng có dấu hiệu nóng trong người, tuy nhiên khi đo nhiệt độ thì không phải bị sốt.
Đến đêm, tim thai nhi vẫn đập nhanh nên bác sĩ đưa vào phòng cách ly. Từ đó, gia đình không được vào thăm nên không biết tình hình sản phụ như thế nào.
Đến khoảng 9 giờ sáng 26/5, người nhà nhận được thông báo sản phụ tử vong. Lý do ban đầu được giải thích là do tràn nước ối, máu vào phổi.