Bệnh viện đầu ngành thiếu thuốc tê, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương tìm nguồn cung

GD&TĐ - BV Răng Hàm Mặt trung ương đang đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc tê, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu khẩn trương tìm nguồn cung ứng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước dự báo Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW (Hà Nội) chỉ 2 tuần nữa là hết thuốc tê, đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa.

Trước sự việc này, theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ngày 17/9 cho biết, Cục đã nắm được thông tin. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ đạo Cục Quản lý dược làm việc với bệnh viện để tháo gỡ khó khăn.

Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý dược chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nhanh chóng tìm nguồn cung thuốc tê để đảm bảo thuốc cho nhu cầu điều trị của các bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt.

Phía Bệnh viện Răng Hàm Mặt cũng thông tin trên báo chí cho biết, nhu cầu sử dụng thuốc tê của bệnh viện từ 1.000-2.000 ống/tuần. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, có 2 hãng cung ứng thuốc tê chính cho bệnh viện là công ty của Pháp và Canada. Ngay khi có thông báo về tình trạng khan hiếm thuốc, bệnh viện đã chủ động xây dựng nguồn thuốc thay thế.

Theo Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, thuốc gây tê nha khoa là vật tư y tế chuyên dụng, thành phần chính là Lidocaine HCL hoặc Articaine. Bệnh viện đang trong tình trạng khan hiếm thuốc tê có nồng độ adrenaline 2%.

Phía Bệnh viện đã có các giải pháp thay thế nếu việc cung ứng thuốc tê nồng độ adrenaline 2% thiếu hụt. Trong thời gian tới, bệnh viện đảm bảo đáp ứng đầy đủ thuốc và vật tư để hoạt động khám, chữa bệnh diễn ra bình thường.

Trước đó, ngày 16/9, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức, ông Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương đã thông tin về tình trạng thiếu thuốc tê tại bệnh viện.

“Còn 2 tuần nữa là chúng tôi hết thuốc tê. Nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao, vì 2/3 dịch vụ ngoại trú sử dụng thuốc tê”, ông Phạm Thanh Hà thông tin.

Với một số loại thuốc tê đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác có tính năng tương tự nhưng cũng rất khó. Bởi, hiện nay, theo các công ty dược, giấy phép chưa được gia hạn. Sắp tới, vấn đề cung ứng thuốc tê sẽ rất khó khăn.

Không chỉ riêng Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, thời gian gần đây, hàng loạt bệnh viện lên tiếng về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế.

Mới đây, Cục Quản lý dược cũng đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị nhập khẩu thuốc điều trị chống sốc trong sốt xuất huyết, ác loại thuốc sử dụng trong điều trị chống độc, các loại thuốc nội tiết, tim mạch...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ