Bệnh viện Đa khoa Medlatec: Trưởng Tổ Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu

GD&TĐ - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, ông Lương Ngọc Khuê đã ký kết luận thanh tra hoạt động khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec.

Ảnh: ttps://www.hoteljob.vn
Ảnh: ttps://www.hoteljob.vn

Bên cạnh nhiều ưu điểm về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn, hoạt động chuyên môn, bệnh viện còn một số tồn tại trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Đoàn kiểm tra 4 hồ sơ đề nghị thực hành tại bệnh viện trong năm 2017: Hồ sơ của Phạm Thúy Hằng do Đỗ Thị Hiền hướng dẫn có Chứng chỉ hành nghề số 020279/HNO-CCHN cấp ngày 5/12/2016; hồ sơ điều dưỡng Lê Hoài Sơn, hồ sơ Trần Thị Hằng do Nguyễn Ngọc My hướng dẫn có Chứng chỉ hành nghề số 019381/HNO-CCHN cấp ngày 23/6/2016; Hồ sơ của điều dưỡng Nguyễn Thị Hưng do Phan Thị Điểm hướng dẫn có Chứng chỉ hành nghề số 0017690/HNO-CCHN cấp ngày 06/11/2015; điều dưỡng Lê Thị Thu Trang được phân công hướng dẫn thực hành bởi điều dưỡng Đỗ Thị Hiền có Chứng chỉ hành nghề số 020279/HNO-CCHN cấp ngày 5/12/2016.

Việc bệnh viện có quyết định phân công người hướng dẫn thực hành chưa đủ thời gian thực hành từ 3 năm trở lên hướng dẫn cho người thực hành tại bệnh viện là chưa đúng với quy định tại Khoản 3, Điều 16 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với văn bằng của người thực hành, có trình độ đào tạo tương đương hoặc cao hơn ngưòi thực hành và có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục từ 3 năm trở lên).

Bệnh án ngoại trú và nội trú chưa khai thác tiền sử sử dụng thuốc của người bệnh trong 24 giờ đầu sau khi nhập viện.

Việc không khai thác tiền sử dùng thuốc của người bệnh là không đúng với quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 23/2011/TT-BYT hướng dẫn sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh. (Khi khám bệnh, thầy thuốc phải khai thác tiền sử dùng thuốc, tiền sử dị ứng, liệt kê các thuốc người bệnh đã dùng trước khi nhập viện trong vòng 24 giờ và ghi diễn biến lâm sàng của người bệnh vào hồ sơ bệnh án (giấy hoặc điện tử theo quy định của Bộ Y tế) để chỉ định sử dụng thuốc hoặc ngừng sử dụng thuốc).

Bệnh án của người bệnh Lê Phương Thúy, số lưu trữ Hồ sơ 012-007/17, mã bệnh R50/K30 trong tờ điều trị không chỉ định cho người bệnh dùng thuốc Efferalgan nhưng có trong bảng kê chi phí kám, chữa bệnh.

Việc bố trí, sắp xếp thuốc trong Khoa Dược còn lộn xộn chưa thuận tiện cho việc cấp phát thuốc. Một số thuốc trong danh mục thuốc bảo hiểm chi trả nhưng không có tại thời điểm khi kiểm tra.

Một số thông tin trong bệnh án bệnh viện chưa ghi đầy đủ và chưa theo hàng, cột đúng quy định.

Một số hồ sơ bệnh án khi lấy mẫu xét nghiệm chưa có tên người lấy mẫu và chưa có chữ ký xác nhận của khách hàng.

Một số tờ điều trị trong bệnh án còn viết tắt. Hồ sơ có số lưu 44, người bệnh được chẩn đoán là tăng huyết áp/RLTH não, trong tờ điều trị ghi CSST.

Hồ sơ của người bệnh Hoàng Thị Anh Thư, số lưu 119, chữ viết trong hồ sơ, đoàn thanh tra không đọc được.

Phiếu chỉ định và phiếu trả kết quả chưa có mẫu riêng cho người bệnh nội trú và ngoại trú.

Tổ Kiểm soát nhiễm khuẩn trực thuộc Phòng Điều dưỡng. Kiểm tra trên hồ sơ lưu trữ, người phụ trách Tổ Kiểm soát nhiễm khuẩn có trình độ trung cấp (y sỹ) đang theo học đại học điều dưỡng và đã được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Kiểm tra biên bản họp của Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn tháng 2, tháng 5 và tháng 9/2017 có nội dung giống nhau. Như vậy, Trưởng Tổ Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu tại Khoản 1, Điều 17 của Thông tư 18/2009/TT-BYT hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Qua thanh tra, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh kiến nghị sở Y tế Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các bệnh viện để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động về quản lý nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn cũng như các hoạt động chuyên môn của bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa Medlatec cần khắc phục ngay các vấn đề tồn tại mà đoàn thanh tra đã nêu tại các biên bản làm việc. Căn cứ vào tình hình thực tế, bệnh viện thực hiện nghiêm túc theo quy định hiện hành về quản lý nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất và chuyên môn. Thực hiện đúng danh mục kỹ thuật chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn tại các khoa, phòng trong bệnh viện. Thực hiện nghiêm túc các quy trình quản lý chất lượng, quy trình chuyên môn của bệnh viện.

Tổ chức rút kinh nghiệm xác định rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục ngay các tồn tại của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác hướng dẫn thực hành và cấp giấy xác nhận quá trình thực hành cho người hành nghề, các quy chế chuyên môn.

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Medlatec căn cứ vào kết luận thanh tra, chỉ đạo, đôn đốc các khoa, phòng thực hiện kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, phát huy các thành tích đã đạt được và có biện pháp khắc phục những tồn tại.

Báo cáo kết quả về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra (ngày 23/1/2018).

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...