Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh

GD&TĐ - Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng đã ứng dụng công nghệ thông tin, khám, chữa bệnh từ xa, kết nối với bệnh viện tuyến trên.

Hệ thống kết nối trực tuyến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên hội chẩn từ xa với 14 điểm cầu y tế tuyến cơ sở.
Hệ thống kết nối trực tuyến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên hội chẩn từ xa với 14 điểm cầu y tế tuyến cơ sở.

Cải cách thủ tục hành chính, đưa nhiều ứng dụng mới thuận tiện cho đội ngũ y, bác sỹ và người bệnh, tiến tới sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt là những nội dung mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đang thực hiện nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.

Xác định chuyển đổi số là việc tất yếu phải thực hiện, trong thời gian qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đã chủ động thực hiện ngay từ sớm, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng như Internet, máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống bảo mật, thiết bị tra cứu thông tin, các thiết bị máy tính, đồng bộ xuyên suốt toàn bệnh viện.

Nhờ sự đầu tư đó, hiện nay, Bệnh viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh, quyết toán bảo hiểm y tế qua phần mềm đạt hiệu quả tốt.

Từ khi sử dụng các phần mềm quản lý, Bệnh viện đã khắc phục được nhiều khâu phức tạp. Không chỉ vậy, người bệnh khi đến khám, chữa tại Bệnh viện hạn chế được các giấy tờ, thủ tục không cần thiết, không phải chờ đợi lâu.

Bên cạnh đó, BVĐK tỉnh còn ứng dụng nền tảng khám chữa bệnh từ xa, kết nối liên thông với 14 điểm cầu các Bệnh viện tuyến huyện và Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Qua đó, triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa theo các yêu cầu và đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến với Bệnh viện.

Thực hiện các cuộc họp, giao ban thường quy bằng hình thức trực tuyến.

Thực hiện các cuộc họp, giao ban thường quy bằng hình thức trực tuyến.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được thiết lập đầy đủ đến các đơn vị đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Người bệnh không cần phải chuyển tuyến mà qua hệ thống phần mềm kết nối trực tiếp với các chuyên gia để hội chẩn, đưa ra phương án điều trị tốt nhất.

Từ khi triển khai đến nay, bệnh viện đã tổ chức hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa được 62 lần với 144 ca bệnh về các bệnh cấp cứu, ngoại khoa, nội khoa, nhi khoa… Qua đó, giúp tuyến cơ sở cập nhật phác đồ điều trị cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tế để các đơn vị học hỏi và triển khai thực hiện.

Thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai hệ thống truyền hình trực tuyến và khám, chữa bệnh từ xa, kết nối với các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện tim Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên… Từ đó, thực hiện hội chẩn những ca bệnh khó, phức tạp mà Bệnh viện chưa thực hiện được.

Hệ thống này đã giúp giảm chi phí cho người bệnh, tạo thuận lợi cho công tác điều hành của các cấp lãnh đạo, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số có ý nghĩa đối với công tác quản lý, điều hành; cải cách quy trình khám, chữa bệnh công khai, minh bạch; theo dõi thông tin bệnh nhân chính xác hơn. Đồng thời, giảm phiền hà cho người bệnh, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, theo dõi quy trình khám chữa bệnh thuận tiện, chính xác. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.