Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đăng tải thông tin, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Đội trưởng đội cơ động phản ứng nhanh của Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh chiều 3/5 đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt và kiểm tra việc tái lập lại Bệnh viện Dã chiến của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc này, Đoàn kiểm tra đã có mặt tại Bệnh viện dã chiến của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc, Bệnh viện dã chiến được thiết lập với 200 giường bệnh, bố trí thành 5 khoa và 3 khu vực: Bệnh nhân thường; bệnh nhân có triệu chứng và Bệnh nhân nặng; Hiện tại đây đã trang bị 60 giường bệnh có ôxy, các giường bệnh cấp cứu, điều trị tích cực… đang hoàn thiện...
Đánh giá và hướng dẫn thêm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định, đây là Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, nên Bệnh viện dã chiến phải đặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn lên hàng đầu, phòng chống lây nhiễm chéo.
Đồng thời Bệnh viện cũng phải đảm bảo các điều kiện để thu dung, quản lý, điều trị bệnh nhân trong đó có những bệnh nhân diễn biến nặng, thậm chí phải chạy ECMO, lọc máu… Do đó, các cán bộ y tế phải được tập huấn đầy đủ về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán điều trị COVID-19.
Tại Bệnh viện Dã chiến, người bệnh được chăm sóc toàn diện, do đó đội ngũ điều dưỡng phải thực sự tinh nhuệ, có khả năng làm việc độc lập cao; đồng thời phải làm việc theo ca, theo kíp để đảm bảo sức khoẻ và điều kiện chăm sóc người bệnh.
Để đáp ứng nếu có tình huống nếu dịch bùng phát mạnh, Bộ Y tế ngay giai đoạn đầu của dịch COVID-19 năm 2020 đã thành lâp 51 Đội cơ động phản ứng nhanh.
Bộ Y tế cũng đã thiết lập nhiều Bệnh viện dã chiến như Bệnh viện Dã chiến ở Đà Nẵng, Hải Dương, Gia Lai, Điện Biên và gần đây là Bệnh viện dã chiến ở Hà Tiên- Kiên Giang; Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam…
Ngoài ra, Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức mạng lưới các bệnh viện tuyến trung ương sẵn sàng tập huấn và hỗ trợ tuyến dưới, vừa làm thầy, vừa làm thợ hỗ trợ các địa phương.
Vĩnh Phúc: Chuẩn bị sẵn sàng các bệnh viện dã chiến
Ngày 3/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị mở rộng triển khai các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID -19 theo chỉ đạo của Trung ương.
Tại cuộc họp, Bí Thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Nhằm khống chế dịch bệnh hiệu quả nhất, Vĩnh Phúc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất.
Tỉnh Vĩnh Phúc bố trí, chuẩn bị sẵn sàng các bệnh viện dã chiến, mở rộng các khu cách ly, cấp tỉnh bố trí 2.000 giường, cấp huyện ít nhất 100 giường, riêng thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên bố trí ít nhất 300 giường bệnh và bố trí 10 - 15 máy xét nghiệm; bảo đảm đủ khẩu trang, sát khuẩn, máy đo thân nhiệt; bố trí đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID -19 tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung Ương, của tỉnh về phòng, chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể, cá thể hóa đối với từng công việc. Khẩn trương khoanh vùng, có biện pháp cứng rắn ngay với các địa bàn trọng điểm. Tỉnh tổ chức tập huấn nhanh, bố trí đủ kinh phí cho các thành viên Tổ phòng chống dịch tại các khu phố, tổ liên gia...
Về ổ dịch quán bar- karaoke Sunny thuộc thành phố Phúc Yên, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thần tốc truy vết, xác minh các trường hợp tiếp xúc gần với chuyên gia người Trung Quốc nhiễm COVID-19, tiến hành phong tỏa các địa điểm có liên quan; khẩn trương thực hiện công tác xét nghiệm; thông tin rộng rãi và đề nghị người dân chủ động khai báo y tế.