Bệnh van tim: Bài 2: Hẹp hở van 3 lá

GD&TĐ - Đồng hành cùng với bệnh hẹp hở van 2 lá là bệnh hẹp hở van 3 lá.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đồng hành cùng với bệnh hẹp hở van 2 lá là bệnh hẹp hở van 3 lá. Van này nằm ở nửa trái tim bên phải, là cửa thông giữa buồng tim ở trên (tâm nhĩ phải) và buồng tim ở dưới (tâm thất phải).

Tương đối lành tính

Khi van 3 lá bị hẹp, dòng máu di chuyển từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu gây hẹp van 3 lá là bệnh sốt thấp khớp (còn gọi là bệnh thấp tim hay bệnh thấp khớp cấp) do nhiễm liên cầu khuẩn (thường là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A - Streptococcus pyogenes, type beta khởi phát từ vùng hầu họng). Nhiều trường hợp, bệnh hẹp van 3 lá xảy ra đồng thời với bệnh hẹp van 2 lá. Và cả 2 đều có cùng nguyên nhân này.

Các nguyên nhân gây hẹp van 3 lá hiếm gặp hơn, bao gồm: Dị tật bẩm sinh ở tim, u nhầy nhĩ phải, bệnh lupus ban đỏ hệ thống và khối u di căn...

Các biểu hiện thường thấy ở người bệnh bị hẹp van 3 lá là cảm giác mệt mỏi, khó chịu ở vùng cổ họng, đau mơ hồ vùng hạ sườn bên phải, sắc mặt u ám, thiếu sinh khí, phù ngoại vi, da lạnh - do cung lượng tim thấp.

Trong giai đoạn bệnh toàn phát có các biểu hiện rõ rệt, nhìn thấy tĩnh mạch cổ bên phải nổi lên rất rõ. Mỗi lần tim đập tạo ra xung động ở tĩnh mạch cổ khiến bệnh nhân chú ý và có cảm giác khó chịu.

Người xung quanh, nếu quan sát cổ bệnh nhân sẽ thấy tĩnh mạch cổ nổi rõ và đập ở bên phải. Biểu hiện này càng rõ hơn khi người bệnh hít vào (trong chuyên môn gọi là dấu hiệu Kussmaul). Ngoài ra, khi bệnh nhân ở trong tư thế nằm các tĩnh mạch vùng đầu có thể giãn to (dấu hiệu Suffusion).

Nhìn chung, bệnh hẹp van 3 lá tương đối lành tính. Đa số người bệnh hẹp van 3 lá không có sự can thiệp nào đặc biệt. Hiếm có trường hợp được chỉ định “sửa chữa” hoặc thay van tim nhân tạo. Một số thuốc được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa trong trường hợp cần thiết, gồm các thuốc lợi tiểu, thuốc đối kháng Aldosterone.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Gây suy tim

Ở một trái tim bình thường, ngay sau khi máu được bơm từ buồng trên xuống buồng dưới thì van tim đóng kín lại. Nhưng ở người bị hở van 3 lá, ngay sau khi bơm máu, van tim đóng lại nhưng không kín. Điều này khiến cho máu vừa được bơm đi phụt ngược trở lại qua khe hở của van tim. Tình trạng hở van 3 lá ở mỗi bệnh nhân diễn biến tùy thuộc mức độ của van bị hở.

Giống như bệnh hở van 2 lá, nguyên nhân gây chủ yếu gây hở van 3 lá cũng bắt nguồn từ bệnh thấp tim.

Một số nguyên nhân khác gồm: Viêm nội tâm mạc, hẹp van động mạch phổi, bệnh khí phế thũng, tăng áp lực phổi, chấn thương vùng ngực gây tổn thương van tim, hội chứng Marfan, do rủi ro lúc đặt các thiết bị khử rung, tạo nhịp trong buồng tim.

Bệnh tiến triển lâu ngày có thể làm cho tâm nhĩ phải và tâm thất phải đều giãn rộng, phì đại và gây ra bệnh cảnh suy tim.

Bệnh hở van 3 lá mức độ nhẹ thường không có biểu hiện gì rõ rệt. Các biểu hiện rõ dần khi bệnh tiến triển ở mức độ trung bình và nặng. Các biểu hiện thường thấy bao gồm: Mệt mỏi, chóng mặt, đau tức ngực, tim đập nhanh, tĩnh mạch cổ nổi, phù chi dưới, tiểu ít, ho (nhiều vào ban đêm hoặc khi nằm), thở khó khi hoạt động gắng sức hoặc lúc nằm.

Nếu người bệnh chỉ bị hở van 3 lá nhẹ, không có các biểu hiện có thể quan sát thấy mà chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm tim do kiểm tra sức khỏe đột xuất hoặc định kỳ thì không cần thiết phải can thiệp bằng phương pháp điều trị nào.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh hở van 3 lá có các biểu hiện nghiêm trọng, người bệnh cần được khám xác định theo chuyên khoa và điều trị sớm và theo dõi sát nhằm tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.

Người mắc bệnh hẹp hở van 3 lá nói riêng và các bệnh van tim, bệnh tim khác nói chung cần hạn chế tối đa lượng muối đưa vào cơ thể để tránh phù. Khi phù đã xảy ra, chế độ ăn bắt buộc của người bệnh là ăn nhạt.

Cần phòng bệnh bằng cách vệ sinh răng miệng tốt để tránh nguy cơ viêm họng do liên cầu, tiêm vắc-xin phòng cúm định kỳ, quản lý và điều trị tốt các bệnh lý liên quan, thực hiện chế độ ăn ít muối, ít chất béo bão hòa, thường xuyên tập thể dục thể thao rèn luyện thân thể, khám sức khỏe định kỳ, nhất là những người đã có bệnh van tim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ