Đây là nguyên nhân chính khiến số người mắc ung thư có liên quan đến ăn uống ngày một cao. Mất an toàn thực phẩm thực sự trở thành nỗi sợ của nhiều người, nhiều gia đình.
Ăn gì cũng lo
Tình trạng rau độc, thịt bẩn, cá nuôi bằng hóa chất được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian vừa qua thực sự khiến dư luận bàng hoàng và bức xúc. Những lo lắng của người dân không phải không có cơ sở. Nhìn vào công bố của cơ quan chức năng về tình trạng thực phẩm chứa hóa chất gần đây mà… sợ.
Theo số liệu giám sát an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT), 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Trong khi đó, trung bình hàng năm, tỷ lệ mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chỉ ở mức 6% - 8%.
Còn kết quả kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng nhuốm màu đen tối với 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran vượt giới hạn cho phép; 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin. Có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%). Trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu là rau sản xuất tại tỉnh khác.
Cái chết được báo trước
Nếu như các bệnh truyền nhiễm như tả, đậu mùa… từng bước được đẩy lùi thì những bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, tiểu đường) lại có xu hướng gia tăng ở nước ta. Bác sĩ Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Mỗi năm cả nước có khoảng 150.000 ca mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Con số trên cao gấp 7 lần so với tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông.
Cũng theo bác sĩ Thuấn, khoa học đã chứng minh, 80% nguyên nhân gây bệnh do môi trường. Tiếp đó là chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Bữa ăn của chúng ta hiện nay có nhiều đạm, mỡ, đặc biệt là mỡ động vật nhưng lại ít hoa quả và rau xanh. Thực tế những năm qua cho thấy, số ca ung thư liên quan đến ăn uống ngày một tăng. Điển hình như ung thư trực tràng ở nam giới năm 2000 là 11,4/100.000 dân thì năm 2010 tăng lên 19,9/100.000 dân. Với ung thư vú ở nữ giới, năm 2000 mới ở mức 17,4/100.000 dân thì năm 2010 đã lên tới 30/100.000 dân.
Bệnh ung thư liên quan đến ăn uống, một phần do cơ cấu bữa ăn không hợp lý, phần còn lại do thực phẩm chứa hóa chất. Thực phẩm chứa hóa chất không chỉ gây hại cho người tiêu dùng mà bản thân người trồng, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng. Theo khuyến cáo của Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình và Môi trường trong phát triển cho thấy, trẻ em trong những gia đình sử dụng hóa chất trên để chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh… là đối tượng chịu tác động nhiều nhất.
Nguyên nhân do trẻ em hít, thở, ăn và uống nước nhiều hơn đối với trọng lượng của cơ thể. Do đó, chúng cũng tiếp xúc với hóa chất độc hại nhiều hơn. Trẻ cũng có thể bị phơi nhiễm hóa chất từ trong bụng mẹ thông qua chế độ ăn uống, tiếp xúc tại nhà, trường học, sân chơi và môi trường. Hậu quả là thế hệ trẻ ngày nay dù cuộc sống no đủ hơn nhưng lại yếu hơn so với thế hệ trước.