Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh vẫn là bí ẩn nhưng phần lớn liên quan đến di truyền, môi trường, hoóc môn giới tính, suy giảm miễn dịch, thói quen xấu…
Bệnh trên trời… rơi xuống
Chưa kịp vui mừng vì chuyến đi biển với gia đình thành công ngoài mong đợi, anh Nguyễn Huy Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) cảm giác cơ thể mình có vấn đề. Ban đầu là sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn rồi đến nổi ban.
“Lúc đầu cứ nghĩ sau chuyến đi dài ngày nên việc cơ thể mệt mỏi là chuyện thường nhưng tình trạng trên kéo dài cả tháng, gia đình giục đi khám mới đến bệnh viện. Mất gần nửa tháng ở 2 bệnh viện mới có kết luận mình bị luput ban đỏ”, anh Hoàng chia sẻ.
Cũng có biểu hiện nổi ban sau khi đi biển, anh Đỗ Trung (Thanh Trì, Hà Nội) chủ quan nghĩ mình bị rám nắng nên kệ cho tự khỏi. Đến khi khớp có cảm giác đau khi vận động, tóc rụng nhiều hơn bình thường mới đi bệnh viện. Các kết quả xét nghiệm cho thấy anh Trung bị luput giai đoạn đầu.
Còn thị Lê Thị Huyền lại mắc bệnh trên trong quá trình mang bầu. Chị Huyền cho biết: Đi khám da liễu, dùng thuốc mãi không khỏi đến khi làm xét nghiệm máu mới biết mình bị luput ban đỏ.
Theo PGS. TS Phạm Huy Thông, Phó GĐ Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), luput là một trong những bệnh tự miễn.Đây là bệnh chưa rõ nguyên nhân mà chỉ biết yếu tố phát sinh của bệnh liên quan đến vấn đề di truyền, môi trường, hoóc môn giới tính, tăng phản ứng tế bào T và B, sự sản sinh các tự kháng để đặc hiệu với các thành phần kháng nguyên nhân và các bất thường chức năng của tế bào T có thể xảy ra.
Còn theo PGS. TS Bạch Khánh Hòa, nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc máu (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương), hội chứng tự nhiễm xảy ra khi có hiện tượng xuất huyết giảm tiểu cầu. Đây là hậu quả của việc suy giảm sản xuất tiểu cầu trong tủy xương hoặc tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi. Hội chứng tự miễn đứng thứ 3 trong các bệnh về máu.
Bệnh lý này có khá nhiều triệu chứng điển hình để nhận diện, nổi bật nhất là triệu chứng xuất huyết, đặc biệt khi va chạm có thể làm xuất hiện ổ máu tụ dưới da…Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị xuất huyết não, tử vong.
Vừa điều trị vừa theo dõi
ThS Trịnh Thị Quế, Trưởng khoa Xét nghiệm (Bệnh viện đa khoa Medlatec) cho biết, kỹ thuật xét nghiệm tìm bệnh tự miễn hiện nay phổ biến là miễn dịch huỳnh quang gián tiếp; HEp-2; Crithidia luciliae; Kỹ thuật ngưng kết (hồng cầu, hạt latex); Kỹ thuật miễn dịch đánh dấu phóng xạ (RIA): Thymidin H 3, Cacbon 14, I 125; Kỹ thuật miễn dịch; Đánh dấu enzyme: ELISA; Hóa phát quang: Tự động hoàn toàn. Như vậy, để kết luận một người mắc bệnh liên quan đến miễn dịch-dị ứng cần nhiều xét nghiệm và khám lâm sàng.
Điển hình như bệnh luput ban đỏ hệ thống, do 50% người mắc không có biểu hiện ngoài da nên bệnh được chẩn đoán xác định khi có ít nhất một tiêu chuẩn miễn dịch và 1 tiêu chuẩn lâm sàng phản ánh tình trạng bệnh. Hoặc tổn thương thận đã được khẳng định bằng sinh thiết cùng với ANA và ds-DNA (+).
Bệnh tự miễn đến nay vẫn khá mới mẻ với y tế tuyến dưới do liên quan đến miễn dịch-dị ứng và lâm sàng (thiếu bác sĩ được đào tạo chuyên khoa). Do vậy, PGS. TS Phạm Huy Thông khuyến cáo cần tìm cho đủ các yếu tố để kết luận trong lần khám đầu tiên bởi khi dùng thuốc, các dấu hiệu đặc trưng của bệnh sẽ thay đổi, rất khó xác định.
Điều này cho thấy, chẩn đoán đầu tiên rất quan trọng, giúp bác sĩ không phải chẩn đoán lai sau này, chỉ cần tập trung điều trị các tổn thương do bệnh gây ra.
Khi chẩn đoán cần tìm phác đồ điều trị thích hợp với từng bệnh nhân, cần cân nhắc loại thuốc và liều dùng, loại thuốc bởi có thể giúp kéo dài sức khoẻ của thận (có thể kéo dài tới 20 năm so với 3 năm như trước đây; có những loại thuốc rất tốt cho bệnh nhân đang mang thai), có những loại thuốc trước đây chống chỉ định cho phụ nữ có thai thì nay tuyệt đối an toàn nhưng cũng có loại thuốc gây tổn thương thận, cần hết sức thận trọng khi sử dụng.