Bệnh tay chân miệng vào mùa dịch
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, số ca nhập viện do bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP có xu hướng tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Cụ thể, từ ngày 14 - 20/9, có 286 trường hợp phải nhập viện do bệnh tay chân miệng, tăng 47% so với trung bình của 4 tuần kế trước.
Theo ghi nhận, tại Bệnh viên Nhi đồng 1, bệnh nhi tay chân miệng tăng đột biến khoảng từ đầu tháng 9 đến nay. Bệnh viện đang điều trị cho hơn 220 bé. Lượng bệnh nhân nhập viện, nhất là các ca nặng, vẫn đang tiếp tục tăng. Tính đến ngày 26/9, đã có 10 trẻ phải thở máy và 4 - 5 trẻ phải lọc máu, chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca nhập viện do tay chân miệng cũng tăng đột biến. Tình từ ngày 1 - 25/9, đã có 6.900 lượt bệnh nhi mắc tay chân miệng được khám ngoại trú và 664 ca điều trị nội trú.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, nếu trẻ có triệu chứng như sốt cao, khó hạ sốt kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều thì phải đưa tới các cơ sở y tế thăm khám. Ngoài ra, một dấu hiệu khác của bệnh tay chân miệng mà các bậc cha mẹ ít để ý, đó là trẻ giật mình trong lúc vừa thiu thiu ngủ.
Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý, hiện nay các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện địa phương đã có phác đồ điều trị cũng như trang thiết bị, nhân lực để chữa trị bệnh này, không nên chuyển hết bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối.
Chủ động phòng bệnh trong nhà trường
Trước thông tin bệnh tay chân miệng gia tăng, sáng 28/9, Sở GD&ĐT và Sở Y tế TPHCM sẽ tiến hành kiểm tra một số trường học trên địa bàn về công tác phòng dịch bệnh, vệ sinh trường học.
Chia sẻ liên quan đến công tác phòng dịch bệnh, cô Lý Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Anh Đào (quận Tân Phú) cho biết, nhà trường luôn có kế hoạch, hướng dẫn giáo viên thực hiện việc bảo đảm vệ sinh lớp học, chủ động phòng ngừa. Theo đó, khi kết thúc mỗi buổi học, các giáo viên đều dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ lớp trước khi ra về. Vào cuối tuần, đồ chơi, đồ dùng của các bé đều được vệ sinh sạch, sàn nhà được lau bằng chất tẩy rửa theo quy định.
Giáo viên đều hướng dẫn các con rửa tay sạch sẽ trước khi vào bàn ăn, sau khi ăn xong, chơi xong đồ chơi. Thêm đó, cũng căn dặn phụ huynh lưu ý vệ sinh cho trẻ, đồ dùng xung quanh trẻ ở nhà để phòng bệnh.
Để chủ động phòng dịch bệnh, trong công văn hướng dẫn các cơ sở GD tổ chức ngày khai giảng, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết đã yêu cầu các trường phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổng vệ sinh toàn trường gồm phòng học, đồ dùng, đồ chơi, khu ăn uống, nhà bếp, khuôn viên... đảm bảo vệ sinh, an toàn trước khi nhận trẻ. Hằng năm, Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với cơ quan y tế tập huấn rất kỹ cho các Phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường về cách phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.
Sở cũng lưu ý các trường, các giáo viên nắm rõ diễn biến tình hình sức khỏe học sinh. Tất cả các trường hợp mắc bệnh phải nghỉ học, đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nếu có bệnh dịch xảy ra tại trường học, phải phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát, xử lý ổ dịch và thực hiện thông tin, báo cáo theo qui định.
Trong trường học nếu xuất hiện các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bị bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày. Nhà trường phải vệ sinh, khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên.
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là phải rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường, người lớn cũng phải rửa tay, đặc biệt trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ.