Bé Nhã Uyên ở xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) bị nổi mẩn ngứa từ tuần trước. Gia đình đưa bé đến phòng khám tư, bác sĩ khuyên theo dõi, nếu bé sốt cao và giật mình khi ngủ thì cho nhập viện. Vào khoa Nhi - Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, bé Uyên được xác định mắc bệnh tay chân miệng độ 2B. Sốt cao liên tục có nguy cơ biến chứng não, bé được theo dõi tích cực tại phòng bệnh nặng.
Trẻ mắc tay chân miệng điều trị ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi. |
Khoa Nhi - Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi đang điều trị nội trú 50 bệnh nhi, trong đó 50% bệnh nặng từ độ 2B trở lên. Mỗi ngày có 12-15 bệnh nhi nhập viện. Số bệnh nhân tăng cao khiến khoa luôn trong tình trạng quá tải. Khoa Nhi - Nhiệt đới có 50 giường nhưng tổng số bệnh nhi luôn nhiều gần gấp đôi con số này. Không đủ giường nên bệnh viện phải bố trí bệnh nhi nằm ghép và đặt thêm giường xếp.
Bác sĩ Trương Thị Thanh, Phó khoa Nhi - Nhiệt đới cho biết: "Bệnh nhi nằm đôi thì tình trạng lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra, do đó cháu mắc một bệnh này có thể kéo thêm bệnh khác, kéo dài thời gian nằm viện và giảm chất lượng điều trị".
Theo bác sĩ Phạm Thành Quát ở khoa Nhi - Nhiệt đới, nhiều bệnh nhi không có biểu hiện rõ ràng nhưng lại bệnh ở cấp độ nặng. Lý do là phụ huynh chủ quan cho con điều trị tại nhà mà không đưa đi khám và điều trị.
Theo bác sĩ, trẻ mắc bệnh ở cấp độ 1 với biểu hiện loét miệng, phát ban tay chân, chỉ cần nghỉ ngơi và điều trị ở nhà bằng thuốc. Khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, nôn ói, đứng không vững, giật mình... phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để điều trị kịp thời.
"Trẻ mắc bệnh từ cấp độ 2 có thể xuất hiện các biến chứng về tim mạch, biến chứng thần kinh, rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn nhịp thở... Biến chứng nào cũng nguy hiểm", bác sĩ Quát cho biết.
Thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, đến nay toàn tỉnh có 600 trẻ em mắc tay chân miệng, trong đó ở Quảng Ngãi 300 ca. Dự báo từ nay đến cuối năm, bệnh còn diễn biến phức tạp. Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh cho biết, hiện bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, vì vậy phụ huynh và trường học cần chủ động phòng bệnh. Các địa phương giám sát và khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao để có biện pháp ứng phó. Ngành y tế cấp bổ sung Cloramin B bột cho các trạm, trường học và người dân ở vùng có ca bệnh.
Trung tâm Y tế Dự phòng và Phòng Giáo dục TP Quảng Ngãi đã cử hai đoàn kiểm tra và hướng dẫn cách phòng bệnh ở các trường tiểu học, mầm non trong tỉnh. Tăng cường vệ sinh cá nhân, đồ dùng học tập, đồ chơi... của trẻ và xử lý khi có ổ dịch tại trường.