Đâu cũng có bệnh nhân
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại địa phương này. Hiện toàn tỉnh ghi nhận gần 300 ca mắc, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Bảo Lộc là nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất. Tính đến cuối tháng 6, Bảo Lộc có 188 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 173 ca so với cùng kỳ năm 2015.
Số ca mắc bệnh chủ yếu tập trung vào 2 tháng 5 và 6. Tại huyện Bảo Lâm, có 35 ca mắc bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, số ca mắc tập trung chủ yếu tại các địa phương dọc Quốc lộ 20. Còn Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên từ tháng 6 đến nay cũng ghi nhận 56 bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến điều trị, tăng 100% so với năm 2015. Địa phương có người sốt xuất huyết nhiều nhất là thị trấn Cát Tiên với 38 người.
Tại Đắk Lắk cũng đã ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc, trong đó TP Buôn Ma Thuột là địa bàn có số ca mắc bệnh cao với 370 trường hợp (chiếm 30%). Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh tăng mạnh và số lượng không ngừng gia tăng tại các địa phương trên toàn tỉnh. Các xã Hòa Thuận (TP Buôn Ma Thuột) xuất hiện 4 ổ dịch khiến 49 người mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 50 lần so với năm 2015. Riêng tại huyện Ea H’leo có 8 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó có 6 ổ dịch tại xã Dliê Yang với 65 mắc bệnh, 1 ổ dịch tại xã Ea H’leo và 1 ổ dịch tại xã Ea Wy.
Tính chung trên toàn quốc, từ đầu năm đến nay có gần 40.000 người mắc, 12 ca tử vong tại 46 tỉnh, thành. So với cùng kỳ năm trước, số mắc tăng 2,8 lần. Trong đó, tháng 6 có 6.564 người mắc, 3 ca tử vong. Sang tháng 7, ghi nhận hơn 5.500 trường hợp mắc, có 2 trường hợp tử vong.
Người dân chưa chủ động diệt bọ gậy, muỗi
Sốt xuất huyết tăng mạnh được cho là do khí hậu biến đổi mưa, nắng thất thường là điều kiện để loăng quăng, muỗi phát triển. Để chủ động phòng bệnh, ngành Y tế Lâm Đồng đã tiến hành giám sát muỗi tại 30 điểm thuộc 12 huyện, thành phố. Đồng thời, vận động toàn dân vệ sinh môi trường, ngủ màn, diệt loăng quăng, khơi thông nước ở các khu dân cư...
Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị tiếp tục chỉ đạo triển khai khẩn trương các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát lớn. Tại các địa phương đã tổ chức nhiều đợt phun thuốc diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết và tuyên truyền cho người dân cách phòng ngừa bệnh triệt để.
Tại Hà Nội, nhận định sau nắng nóng là những đợt mưa kéo dài. Đây là điều kiện thuận lợi để tác nhân truyền bệnh phát triển. Để chủ động phòng bệnh, Sở Y tế đã lên kế hoạch phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi, bọ gậy trong tháng cao điểm là 7 - 8 và 10 - 11 đồng thời giao cho y tế địa phương huy động người dân cùng tham gia...
Tuy nhiên, kết quả giám sát của 8 đoàn công tác phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết của Bộ Y tế tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm (Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum) cho thấy, đa số các địa phương, tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.
Đặc biệt là sự tham gia, vào cuộc của UBND các cấp đã chỉ đạo, thúc đẩy sự phối hợp liên ngành và đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Ngành Y tế địa phương cũng đã bám sát, tuân thủ hướng dẫn chuyên môn và nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.
Nhưng cũng tại một số địa phương, đoàn kiểm tra thấy còn chưa tổ chức chiến dịch người dân chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy như Hải Phòng, Thanh Hóa. Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức chiến dịch này bởi người dân vừa là đối tượng mắc bệnh nhưng lại hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh thông qua việc làm hàng ngày của mình. Còn theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các cơ sở y tế chuẩn bị điều kiện để thu dung người bệnh, hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt là tại cơ sở y tế tư nhân.
- Các tỉnh cần triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, đồng thời tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình tại các ổ dịch;
- Bệnh viện tuyến trên có kế hoạch hỗ trợ y tế tuyến cơ sở các bác sĩ có kinh nghiệm, không để bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu và điều trị kịp thời.