Bệnh nghề nghiệp của giáo viên trên thế giới

GD&TĐ - Ở bất cứ quốc gia và nền văn hoá nào trên thế giới, dạy học luôn được xem là một trong những nghề an toàn nhất. Giáo viên không phải di chuyển nhiều, số giờ làm việc lại cố định, môi trường vệ sinh. Tuy nhiên, nghề giáo không thể tránh khỏi những bệnh tật và thương tổn. Nhiều giáo viên gặp phải các vấn đề về thể chất và tinh thần liên quan đến cách thức làm việc và sự tổ chức không gian trường lớp. 

Bệnh nghề nghiệp của giáo viên trên thế giới

Các chứng bệnh về giọng nói

Giọng nói là tài sản quan trọng nhất của một giáo viên. Họ phải tận dụng tối đa giọng nói để truyền đạt bài giảng. Điều này lại khiến phần lớn giáo viên khổ sở. Nghiên cứu cho thấy, 47% giáo viên Hoa Kỳ phải chịu đựng các vấn đề về giọng nói và trong những trường hợp xấu hơn, các bệnh liên quan đến giọng nói và thanh quản là dấu chấm hết cho sự nghiệp của một người thầy.

Chứng rối loạn giọng nói mãn tính (chronic voice disorders) là một chứng bệnh rất phổ biến trong nghề giáo. Thuật ngữ này biểu đạt ba loại bệnh khác nhau: nốt sần cứng thanh quản (hard vocal nodule), phình trướng thứ phát thanh quản (secondary hypertrophic changes of vocal folds) và một số tổn thương vật lý khác.

Ở Ba Lan, rối loạn giọng nói mãn tính được chính thức công nhận là một bệnh nghề nghiệp. Năm 2007, các trường hợp mắc chứng rối loạn giọng nói là 24,4%, cao nhất so với tất cả các bệnh nghề nghiệp ở nước này.

Theo Viện Y học nghề nghiệp Nofer ở Lodz (Ba Lan), có tới 70% giáo viên phải chịu đựng các chứng bệnh về giọng nói trong suốt sự nghiệp của mình. Một phần trong số họ chỉ bị ảnh hưởng tạm thời, còn số khác bị mất hoàn toàn giọng nói. Khi so sánh nghề giáo với những nghề sử dụng giọng nói khác như luật sư, linh mục hay ca sĩ, thì nguy cơ rối loạn giọng nói ở nghề giáo lớn hơn tới năm lần.

Trong vài năm gần đây, số bệnh nhân mắc chứng rối loạn giọng nói mãn tính tại Ba Lan được ghi nhận ở con số 800 ca/năm. Trong suốt 20 năm, từ 1988 và 2007, đã có tới 40.000 trường hợp mắc bệnh (tổng số giáo viên trung bình nước này là 550.000).

Rối loạn ngôn ngữ

Mặc dù chứng bệnh này nghe có vẻ tương tự như rối loạn giọng nói mãn tính, nhưng rối loạn ngôn ngữ (Speech and Language Disorder hay SLD) là một vấn đề khác. Trong khi rối loạn giọng nói mãn tính bao gồm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và ung thư thanh quản, thì rối loạn ngôn ngữ làm cho cá nhân không thể nhớ từ hoặc cụm từ chính xác để mô tả một cái gì đó. Thay vì nói từ “sách” thì người bị rối loạn ngôn ngữ lại nói “thứ mà chúng ta đọc”.

Mặc dù rối loạn ngôn ngữ là mối nguy cho sức khoẻ của các giáo viên, nhưng hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên do chính xác của căn bệnh này. Nannette Stroebel, một giáo viên âm nhạc từ Harding, Minnesota, Hoa Kỳ, cho rằng, việc phải làm nhiều việc cùng một lúc đã khiến cho tinh thần của giáo viên bị suy kiệt, dẫn đến khả năng tập trung kém. Hiện tại Hiệp hội Ngôn ngữ và Thính học Hoa Kỳ (ASHA) đang thực hiện các nghiên cứu về chứng bệnh này.

Các chứng bệnh tâm lý

Vai trò của một giáo viên không chỉ có truyền đạt kiến thức trên lớp, mà họ còn chịu trách nhiệm trong việc động viên và truyền cảm hứng. Điều này đòi hỏi họ phải hết sức tỉ mẩn và cẩn trọng.

Chính vì lẽ đó, sự căng thẳng đã trở thành vấn đề thường trực của nghề giáo. Áp lực liên tục có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có áp lực từ phía nhà trường, kì vọng của phụ huynh và xã hội, lớp học bị quá tải, sự thiếu tôn trọng từ phía học sinh và đồng lương còm cõi.

Các chuyên gia ở Scotland nói rằng, cần có một chuyên gia tư vấn ở trường học để giải quyết các vấn đề tâm lý của giáo viên. Hơn một nửa giáo viên ở nước này nói rằng họ phải đối mặt với các vấn đề tâm lý một cách thường nhật. Trong 778 giáo viên được hỏi, có hơn 45% trong số họ nói rằng, đời sống tinh thần của mình là “nghèo nàn” hoặc “rất nghèo nàn”, 15% đã phải sử dụng đến thuốc an thần để khống chế áp lực.

“Tôi muốn làm những thứ tốt nhất cho học sinh của mình, và điều đó thúc ép tôi phải làm thêm giờ. Nhưng thời gian trong một ngày là chưa bao giờ đủ” – cô Harvey, một giáo viên trung học cho biết.

Ông Tony McLaren, điều phối viên quốc gia về sức khoẻ tinh thần ở Scotland nói rằng: “Đội ngũ giáo viên đang rất khan hiếm, điều đó đã gây ra nhiều áp lực cho hệ thống giáo dục hiện tại. “Các giáo viên thường cười và đùa cợt về tính chất công việc của họ, và họ cũng thường che giấu các căng thẳng”.

Ở Mỹ, ngân sách dành cho trường học đang bị cắt giảm, bạo lực học đường và chính sách nhập cư không ổn định đã làm cho các giáo viên hứng chịu những áp lực tâm lý nặng nề.

Hơn 50% giáo viên nước này nói rằng họ gặp các vấn đề về thần kinh, 58% nói rằng tâm trạng của họ không tốt trong vòng một tuần hay trong 30 ngày gần nhất.

Ông Randi Weingarten, Chủ tịch Hội giáo viên liên bang nói rằng trong vài năm trở lại đây, các giáo viên phải chịu nhiều căng thẳng cho chính sách chuẩn hoá giáo viên của Bộ Giáo dục nước này.

Dưới đây là một số chứng bệnh tâm lý mà giáo viên có thể mắc phải:

- Bệnh khó chịu trước lỗi ngữ pháp: Đây là một chứng bệnh phổ biến của các giáo viên nhóm ngành ngôn ngữ. Họ luôn cảm thấy khó chịu và bực dọc trước lỗi ngữ pháp của bất cứ ai, bất cứ trường hợp nào (lẫn trong và ngoài môi trường giáo dục).

Triệu chứng cơ bản của chứng bệnh này là nhịp tim tăng, giận dữ, cố gắng tìm ra nguyên nhân tại sao một lỗi ngữ pháp nhỏ như vậy lại có thể tồn tại. Những người này chỉ mong muốn cầm viết đỏ khoanh tròn các lỗi ấy lại.

- Hội chứng mỏi mệt vào thứ Sáu và buồn bã vào Chủ nhật: Sau khi kết thúc một tuần mệt mỏi và căng thẳng, giáo viên sẽ cảm thấy rã rời vào ngày thứ Sáu. Khi chu kì ấy bị lặp đi lặp lại, kể cả những lúc họ không làm gì nhiều trong tuần, thì tình trạng kiệt sức sẽ xuất hiện. Bệnh nhân chỉ cảm thấy tốt hơn khi tự thưởng cho mình một giấc ngủ.

Còn hội chứng buồn bã ngày Chủ nhật thường xuất hiện khi một cá nhân nhận ra tối nay là Chủ nhật và người đó phải đi làm vào sáng thứ Hai. Chủ nhật sẽ không tốt lành gì khi thứ Hai có hàng tá công việc phải làm.

- Phức cảm trước ngày nộp bài: Trước thời hạn học sinh nộp các bài tập lớn, giáo viên cũng hồi hộp không kém. Họ luôn lo lắng đến chất lượng bài làm của học sinh. Mất ngủ, kiệt sức và sợ hãi là những biểu hiện thường trực. Triệu chứng sẽ qua đi vào đúng ngày “deadline”.

- Hội chứng kích thích não: Xảy ra với những giáo viên luôn trong tình trạng bận rộn, không có thời gian ngủ nghỉ để hồi phục. Điều này làm suy giảm khả năng tập trung. Đôi lúc, họ sẽ đặt những câu hỏi ngờ nghệch, hoặc không ngớt than phiền về sức khỏe của mình. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất là đau đầu, thiếu kiềm chế, và nghiện cà phê.

Nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm cao

Trường học là một môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất nhiều các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm. Từ những bệnh cảm mạo thông thường cho đến thủy đậu. Một nghiên cứu vào năm 2012 được công bố trên Tạp chí Tâm lý học chỉ ra rằng, học sinh là một trong những nguyên nhân làm lây lan nguồn bệnh.

Diện tích thiết kế của một phòng học đáp ứng nhu cầu học tập của 25 đến 30 học sinh, và ai trong số họ cũng có thể mắc bệnh, nhất là bệnh do các loại virus mới nhất.

Trong nghiên cứu của mình, hai nhà khoa học Walsh và Dechello chỉ ra, giáo viên có nguy cơ tử vong vì bệnh đa xơ cứng, viêm thấp khớp, ban đỏ và các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch cao hơn13% so với người bình thường. Hơn nữa, giáo viên trung học trong độ tuổi từ 35 đến 44 có nguy cơ tử vong do mắc các chứng bệnh tự miễn (autoimmune disease) lên tới 143%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ