Bệnh lạ tàn phá, cô gái trẻ ước mơ hiến tạng cho y học

GD&TĐ - Ở cái tuổi 25, các bạn cùng trang lứa đã bước qua cánh cổng đại học với một công việc ổn định và thậm chí có thể chuẩn bị tổ chức đám cưới với người yêu thương. Nhưng với Thanh thì khác, việc đi lại, giúp đỡ gia đình việc nhà với cô đã quá khó khăn thì những mơ ước như các bạn cùng trang lứa thì quả là xa xỉ và viển vông…

Bệnh lạ tàn phá, cô gái trẻ ước mơ hiến tạng cho y học

Nghiệt ngã tuổi đôi mươi

Chúng tôi tìm về xã Tân An, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vào những ngày tháng sáu nắng như đổ lửa. Cái nắng quắt quay của xứ Nghệ đã quen lắm nhưng vẫn ngỡ ngàng đến lạ. Gạt những giọt mồ hôi chảy ròng trên trán, người dân nơi đây tận tình chỉ dẫn chúng tôi đến nhà cô gái Nguyễn Thị Thanh, người đang mang trên mình căn bệnh lạ mà chúng tôi muốn tìm.

Bên góc sân được che mát bởi tán cây xoài, trên chiếc giường ọp ẹp được kê tạm là hình ảnh người mẹ già đang chầm chậm dùng chiếc khăn lau rửa cho con. Cô con gái với thân thể gầy gò, nhỏ bé và đen xạm cùng chi chít những vết sẹo trên da. Dưới bàn chân trái là một khối u màu đỏ trông như một chiếc súp lơ, kinh dị khiến ai lần đầu nhìn thấy cũng khiếp sợ

Thanh sinh năm 1992, trong một gia đình có tới 4 chị em gái. Cả bốn chị em Thanh thì có riêng mình em mắc vào căn bệnh lạ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mà vật dụng chẳng có gì đáng giá, bà Nguyễn Thị Thư, mẹ đẻ của Thanh kể: Thanh chào đời cũng như 3 người chị của nó, khỏe mạnh và kháu khỉnh. Nhưng lớn lên chút đỉnh thì đầu ngón tay bắt đầu xuất hiện những nốt chấm đỏ, cơ thể cũng yếu dần so với những trẻ sơ sinh khác. “Lúc ấy, cũng biết cơ thể cháu có gì đó không ổn nhưng gia đình nghèo quá, chẳng có tiền mà đưa con đi khám”- bà Thư nhớ lại.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, Thanh cũng lớn dần lên nhưng cơ thể còi cọc, da dẻ hay nổi mụn cóc. “Cũng chỉ nghĩ cơ thể con nóng trong nên sinh ra mụn nhọt rồi còi cọc thôi. Nhưng càng ngày con càng yếu và mọc nhiều mụn hơn. Đương lúc gia đình bàn tính đưa con đi khám thì bố cháu chẳng may ngã bệnh rồi qua đời….” – bà Thư ngạt những dòng nước mắt cho biết.

Chồng qua đời, gánh nặng gia đình đè nặng hơn trên đôi vai người mẹ ấy nên việc đưa Thanh đi khám trở nên càng xa vời vợi. “Đến tận sau này, tôi mới biết cháu bị bệnh u nhú ở người (tên khoa học là Human Papilloma Virus - PV) thì đã quá muộn – bà Thư nghẹn ngào.

Khi Thanh học lớp 11, bỗng nhiên ở chân phải xuất hiện nhiều chấm đỏ, rồi cứ to dần, càng lớn thì sự cắn xé, đau đớn bên trong càng nhiều. Phát hoảng trước tình trạng chân của con, bà Thư đưa con đi khám và được các bác sỹ kết luận bị bệnh u nhú. Hết các bệnh viện nọ đến thầy lang kia nhưng bệnh tình của Thanh không thuyên giảm, Thanh đành ngạt nước mắt gác sách, bút để ở nhà.

Ước mơ sẽ được hiến tạng cho y khoa

Ở cái tuổi 25, nếu như bao cô gái bình thường khác Thanh đã tốt nghiệp Đại học, có một công việc làm ổn định, thậm chí có thể chuẩn bị tổ chức đám cưới với người thương yêu. Nhưng giờ đây, ngay cả việc đi lại, giúp đỡ mẹ công việc nhà cũng đã khó khăn rồi thì những điều trên chỉ là ước mơ viển tưởng. “Em đã từng nghĩ hay là mình chết đi cho xong, nhưng mỗi lần nghĩ vậy hình ảnh mẹ tảo tần, chạy vạy khắp nơi tìm cách chữa chạy cho em, em lại không thể làm gì được” – Thanh chia sẻ.

Sau rất nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ về cuộc sống bế tắc trong căn bệnh bế tắc của mình. Thanh gượng dậy với mong muốn: Phải làm được một điều gì đó để khi chết đi vẫn có ích. Và cái ý nghĩ sẽ hiến nội tạng của mình cho y khoa đã Thanh đã chọn lựa.

“Em đã phải suy nghĩ rất nhiều. Em cũng đã tìm hiểu thông tin, thủ tục hiến xác và nội tạng khá đơn giản, chỉ cần điền vào mẫu văn bản tình nguyện hiến tặng. Điều khiến em lo lắng nhất lúc này là mẹ. Em chưa dám nói với mẹ, sợ mẹ sẽ rất đau khổ” – Thanh cho biết.

Cũng theo Thanh việc cô hiến tạng cho y khoa sẽ không ảnh hưởng bởi căn bệnh cô đang mang trên người không phải là căn bệnh nan y, vì vậy chắc chắn gan hoạc thận vẫn khỏe mạnh. “Kiếp này em chưa làm được việc gì có ích, những gì từ cơ thể em để lại sẽ cứu chữa được nhiều số phận kém may mắn khác” – Thanh trầm tư.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Cao Tiến Thìn, Chủ tịch UBND xã Tân An (Tân Kỳ - Nghệ An) cho biết: Hiện tại, chị Thanh đang được hưởng chế độ ở mức cao nhất. Thời gian gần đây bệnh nặng thêm nên không thể di chuyển được. Cả hai mẹ con hiện đang sinh sống rất khó khăn.

Chia sẻ với chúng tôi về mong muốn và ước nguyện của Thanh, ông Thìn cũng cho hay, chưa nghe thấy thông tin này, nhưng nếu đúng thì UBND xã sẽ tạo mọi điều kiện cho chị Thanh thực hiện ý nguyện của mình “Đây là nghĩa cử cao đẹp và ý nghĩa để cứu người, bởi thế chúng tôi luôn luôn ủng hộ cháu Thanh”.

U nhú có tên khoa học là Human Papilloma Virus – HPV). Ở những khu vực phát bệnh sẽ hình thành các khối u nhọt lớn có bề mặt gồ ghề trông tựa như bông hoa súp lơ.

Virus U nhú ở người gây ra mụn cóc thông thường, tăng trưởng nhỏ, màu trắng, màu be hoạc màu nâu. Có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể con người nhất là các vùng nhầy, ẩm như: miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục. Virus U nhú thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với da.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.