Bệnh đậu mùa khỉ có bùng phát trong cộng đồng?

GD&TĐ - Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện, cần chờ đánh giá nguy cơ đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện, cần chờ đánh giá nguy cơ đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch lớn là không cao. Bởi, đây không phải là bệnh lây trong những nhóm cộng đồng lớn.

Ca bệnh chưa rõ nguồn lây

Việt Nam vừa ghi nhận 2 ca dương tính với virus đậu mùa khỉ tại Đồng Nai và Bình Dương. Cụ thể, ngày 22/9, bệnh nhân nam (25 tuổi, địa chỉ thường trú tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TPHCM. Ngày 23/9, bệnh nhân có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Trong 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, bệnh nhân chỉ ở Việt Nam.

Theo CDC Đồng Nai, đây là ca đậu mùa khỉ đầu tiên có địa chỉ thường trú tại tỉnh, chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Ngày 16/9, bệnh nhân có tiếp xúc với bạn gái (22 tuổi, ngụ Bình Dương). Người này cũng có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trước bối cảnh này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) đã triển khai điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý. HCDC đã lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Cũng theo HCDC, những người tiếp xúc gần cư trú tại TPHCM đã được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày. Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân. Những người tiếp xúc gần này hiện ổn định, không có triệu chứng bất thường. HCDC vẫn tiếp tục điều tra, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.

Bộ Y tế cho biết, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B (gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong). Đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới.

Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ thường 6 - 13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5 - 21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự bệnh đậu mùa.

Các triệu chứng thường thấy bao gồm: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần.

Tăng cường giám sát ở cửa khẩu

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân không nên chủ quan trước bệnh đậu mùa khỉ.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân không nên chủ quan trước bệnh đậu mùa khỉ.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng - nhận định, hiện ca mắc chưa rõ nguồn lây, cần giám sát, điều tra dịch tễ xem trường hợp này có tiếp xúc với những người đi từ vùng dịch về không.

Ngoài ra, cần giám sát ở cả cộng đồng xem có bệnh nhân nào mới không. Từ đó, giúp đánh giá, xem nguy cơ lây lan bệnh như thế nào. Mặt khác, cần tăng cường giám sát ở cửa khẩu, đặc biệt là những người từ vùng dịch về.

Trong bối cảnh ghi nhận 2 ca mắc đậu mùa khỉ mới, không ít người dân bày tỏ quan ngại. Chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều tài khoản cho biết cảm thấy hoang mang trước căn bệnh này. Thậm chí, nhiều người lo rằng, đậu mùa khỉ có thể lây lan và bùng phát thành dịch như Covid-19.

Chị Đặng Thu Trang - nhân viên ngân hàng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - chia sẻ: “Do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng, nên tôi cũng khá lo lắng. Tôi có tìm hiểu về cách phòng bệnh và thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế”.

Trước những lo ngại này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, người dân không nên quá hoang mang, nhưng cũng tuyệt đối không được chủ quan. “Chúng ta cần chờ đánh giá nguy cơ. Tuy nhiên, theo tôi nguy cơ bùng phát đậu mùa khỉ thành dịch lớn là thấp. Bởi đây không phải là bệnh lây trong những nhóm cộng đồng lớn”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho biết, điều cần thiết là đánh giá nguy cơ. Nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó. Nhờ vậy, dịch sẽ không rơi vào tình trạng bùng phát mất kiểm soát. Đồng thời, không gây tốn kém nguồn lực. Bởi, hiện nay, có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Do đó, bệnh có tên là đậu mùa khỉ. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi cũng như Tây Phi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.