Đây là bệnh lành tính, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ nhưng lây lan do tiếp xúc trực tiếp nên nhiều người lớn cũng mắc bệnh. Theo khuyến cáo của bác sĩ, trẻ nhỏ chưa tiêm phòng, phụ nữ có bầu cần cảnh giác với căn bệnh này.
Bà bầu, trẻ em cẩn thận
Giống như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, thủy đậu thường bùng phát vào mùa xuân do thời tiết thích hợp cho tác nhân gây bệnh phát triển. Đối tượng tấn công của bệnh thường là trẻ nhỏ do các em chưa tự vệ sinh cá nhân, sức đề kháng đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Bé Linh Anh nhà chị Nguyễn Hồng Nga (Long Biên, Hà Nội) đang chơi ngoan bỗng ngây ngấy sốt, ngày hôm sau bắt đầu nổi mụn ở tay rồi lan ra khắp người. Nghĩ con bị tay chân miệng, chị đưa đi khám thì được chẩn đoán mắc thủy đậu. Chị Nga cho biết: Bác sĩ cho thuốc hạ sốt, sát trùng còn chủ yếu là tăng sức đề kháng cho con thông qua ăn uống, giữ vệ sinh sạch sẽ tắm rửa hàng ngày, hạn chế để mụn vỡ.
Cũng có con nhỏ bị thủy đậu, chị Nguyệt Ánh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, thủy đậu là bệnh lành tính nhưng từ khi nổi mụn đến lúc bay mất cũng mất khoảng 10 ngày. Ngần ấy thời gian hai mẹ con ở nhà trông nhau, chỉ lo ăn uống, bôi thuốc, tắm giặt cho con cũng mệt.
Còn chị Nguyễn Thị Tuy (Văn Giang, Hưng Yên) lại bất ngờ khi bác sĩ thông báo mắc thủy đậu. Theo chị Tuy, đây là bệnh của trẻ con không ngờ tấn công cả người lớn. Con bé nhà mình đã khỏi bệnh được 1 tuần, sau đó mình mắc bệnh. Lúc đầu nghĩ bị mụn nước nhưng ngày hôm sau lan ra toàn thân. “Hết trông con bây giờ lại nhốt mình trong phòng để hạn chế lây cho người khác”, chị Tuy than thở.
Người trưởng thành, đặc biệt là bà bầu rất dễ mắc bệnh do sức đề kháng cơ thể giảm sút. Giống như rubella, nếu mắc thủy đậu ở giai đoạn 1 và 2 của thai kỳ sẽ có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Do vậy, nhiều bà mẹ tương lai lo ngay ngáy khi số người mắc đang tăng, đồng nghĩa với việc xung quanh mình có nhiều người mang virus nhưng chưa phát bệnh nên khả năng lây lan rất lớn.
Phòng bệnh trước khi quá muộn
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, thủy đậu là bệnh có quanh năm nhưng cao điểm của dịch bệnh thường từ tháng 3 - 5. Để tránh nhầm lẫn, gia đình cần đưa trẻ đi khám bởi những nốt phồng có thể do viêm da dị ứng, tay chân miệng hay zona (ở người lớn).
Cũng theo ông Phu, thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não. Do vậy, cha mẹ cần giữ vệ sinh thân thể cho trẻ, không cho trẻ gãi để tránh vỡ mụn dễ nhiễm trùng. Với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Do bệnh xảy ra quanh năm nên chủ động phòng chống bệnh là điều phụ huynh nên biết. Trong trường hợp bị bệnh cần nghỉ học, nghỉ làm từ 7 - 10 ngày để tránh lây lan cho người khác. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
Ngoài việc nâng cao sức khỏe thông qua ăn uống, vận động và vệ sinh cá nhân, các bậc phụ huynh chú ý tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Nên biết cũng có trẻ tiêm phòng vẫn mắc bệnh do vắc xin có hiệu lực bảo vệ khoảng 90%, tức là vẫn còn 10% trẻ có khả năng mắc bệnh.
Tuy nhiên, trẻ đã tiêm mà mắc bệnh ở thể nhẹ (ít nốt phồng, ít sốt, nhanh khỏi) hơn trẻ chưa tiêm. Phụ nữ có ý định mang thai cũng nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu, sởi - quai bị - rubella và cúm trước khi mang bầu ít nhất 1 - 6 tháng, tùy từng loại. Nếu đang có bầu mà mắc thủy đậu cần đi khám bác sĩ để được tư vấn, theo dõi sức khỏe, sự phát triển của thai nhi, tránh tình trạng bỏ thai không cần thiết.
Mụn mọc toàn thân, có thể sốt, ngứa ngáy khó chịu là biểu hiện rõ nhất của thủy đậu. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai, sinh non hoặc để lại dị tật cho thai nhi (hội chứng thủy đậu, đầu nhỏ)…