Bệnh bạch hầu từng là nỗi ám ảnh thế giới

GD&TĐ - Bệnh bạch hầu từng là nỗi ám ảnh thế giới ở thế kỷ 17 - 20, do tỷ lệ tử vong cao từ 10 - 20%.

Bạch hầu từng là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất. Ảnh minh họa: INT
Bạch hầu từng là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất. Ảnh minh họa: INT

Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận

Những ca nhiễm bạch hầu đầu tiên được ghi nhận từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, gieo rắc kinh hoàng khắp Ai Cập cổ đại và Syria. Đến thế kỷ 17, dịch bùng phát dữ dội ở châu Âu, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Khi ấy, bạch hầu được gọi là “bệnh treo cổ” (El garatillo theo tiếng Tây Ban Nha), “bệnh họng” theo tiếng Italy.

Năm 1705, quần đảo Mariana trải qua đợt dịch bệnh bạch hầu và sốt phát ban, khiến dân số giảm xuống còn khoảng 5 nghìn người. Năm 1735, bệnh “quét” qua Mỹ, khiến nhiều gia đình tử vong chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 1883 - 1884, vi khuẩn gây bệnh mới được phát hiện. Dịch bạch hầu tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 1921, với 206 nghìn ca mắc và 15 nghìn người tử vong.

Cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học phát minh ra vắc-xin, trở thành niềm hy vọng đối với nhân loại. Tỷ lệ tử vong tại châu Âu giảm xuống khoảng 15% trong Thế chiến thứ Nhất khi việc sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu (ditheria antitoxin - DAT) được dùng phổ biến. Đại dịch bạch hầu cũng tàn phá châu Âu một lần nữa trong Thế chiến thứ Hai, làm 1 triệu người mắc và 50 nghìn người tử vong trong năm 1943.

Vắc-xin dựa trên độc tố bạch hầu được đưa vào sử dụng những năm 1940 ở châu Âu và Bắc Mỹ và chúng đã cho thấy hiệu quả làm giảm sự lây lan đối với những cộng đồng người đã được chủng ngừa.

Năm 1974, chương trình tiêm chủng mở rộng (Expanded Programme on Immunization – EPI) được ra đời, vắc-xin bạch hầu là 1 trong 6 vắc-xin được sử dụng, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu giảm một cách đột ngột trên toàn thế giới. Tổng số ca mắc phải được báo cáo giảm hơn 90% trong giai đoạn 1980 - 2000.

Đến nay, bạch hầu vẫn là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt với trẻ em và người chưa tiêm phòng. Vào tháng 4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo số ca nhiễm bạch hầu trên toàn thế giới gia tăng.

WHO đánh giá, đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi căn bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Năm 2019, tổ chức này từng ghi nhận thế giới có gần 23 nghìn ca bạch cầu, tăng 2,6 lần so với năm 2017.

Theo WHO, tác hại nghiêm trọng nhất của vi khuẩn gây bệnh là sản sinh ra chất độc gây tổn thương tim và dây thần kinh. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ tiêm chủng định kỳ và hoạt động giám sát.

Những trở ngại này đã khiến nhiều trẻ em dễ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin, trong đó có bạch hầu. Ngoài ra, các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ tạo điều kiện cho phép vi khuẩn lưu hành. Từ đó, làm tăng khả năng bùng phát dịch bệnh.

WHO khuyến cáo, cần tăng cường các chương trình tiêm chủng và giám sát chăm sóc sức khoẻ. Đồng thời, nỗ lực để tất cả trẻ em được tiêm 3 liều vắc-xin phòng bạch hầu trong giai đoạn nhũ nhi, thơ ấu và thanh thiếu niên. Các quốc gia cũng nên triển khai hệ thống giám sát mạnh mẽ để xác định và xác nhận trường hợp nhiễm bệnh, cũng như thu hẹp khoảng cách miễn dịch một cách nhanh chóng.

noi am anh cua the gioi 2.jpg
Tất cả trẻ em trên toàn thế giới nên được chủng ngừa bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa: INT

Phương pháp điều trị

Trước kia, không có phương pháp điều trị hiệu quả bệnh bạch hầu. Vào những năm 1890, bác sĩ người Đức Emil Von Behring đã phát triển một loại thuốc chống độc không tiêu diệt được vi khuẩn, nhưng vô hiệu hoá các chất độc mà vi khuẩn lan truyền trong cơ thể.

Von Behring phát hiện ra rằng, máu động vật có chứa chất kháng độc tố. Sau đó, ông đã lấy máu này và loại bỏ các tác nhân đông máu để tiêm vào bệnh nhân. Ông đã được trao giải thưởng Nobel về y học đầu tiên cho việc khám phá và phát triển liệu pháp huyết thanh cho bệnh bạch hầu. Vào mùa Xuân năm 1913, Von Behring đã phát triển vắc-xin chống bạch hầu. Đây được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.

Ngày nay, vắc-xin bạch hầu được khuyên dùng cho tất cả trẻ sơ sinh và người lớn chưa được chủng ngừa.

Vắc-xin này được sản xuất bằng cách xử lý độc tố bạch hầu bằng nhiệt và hoá chất. Qua đó, phá huỷ khả năng sản sinh bệnh, đồng thời cho phép nó kích thích sản xuất kháng thể.

Tiêm chủng vắc-xin nói chung và tiêm vắc-xin bạch hầu nói riêng là hoạt động kích hoạt bộ nhớ của hệ thống miễn dịch mà không gây bệnh cho người tiêm. Việc tiêm vắc-xin bạch hầu đã được chứng minh có khả năng giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và mắc căn bệnh này.

Bệnh bạch hầu có thể được chữa trị bằng thuốc. Người bệnh cần sớm đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Phác đồ điều trị bệnh bạch hầu bằng thuốc thường bao gồm các loại thuốc kháng sinh (penicillin tiêm bắp hoặc erythromycin) và thuốc giải độc tố bạch hầu.

Hiệu quả điều trị sẽ đạt mức tối đa trong giai đoạn đầu của bệnh bạch hầu. Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể chỉ định thêm các liệu pháp khác để hỗ trợ chữa trị triệu chứng giúp cải thiện tình trạng sức khỏe cho người bệnh tối ưu.

Sau khi kết thúc phác đồ điều trị, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm để kiểm tra lượng vi khuẩn bạch hầu còn trong cơ thể.

Người bệnh chỉ thật sự khỏi bệnh và không còn nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng khi xét nghiệm cho kết quả âm tính liên tiếp 2 lần cách nhau 24 giờ, với mẫu phết họng lần đầu được thực hiện sau khi đã ngưng kháng sinh trên 24 giờ.

Những đợt bùng phát bệnh bạch hầu gần đây ở một số quốc gia phản ánh tỷ lệ tiêm chủng chưa đầy đủ và đã chứng minh tầm quan trọng của việc duy trì mức độ bao phủ cao trong các chương trình tiêm chủng cho trẻ em. Ước tính có khoảng 84% trẻ em trên toàn thế giới được tiêm 3 liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, trong đó 16% không được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ.

Theo WHO; Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ