Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, nếu cơ thể có một khiếm khuyết nào đó, dù được tiêm vắc-xin cũng không tạo ra khả năng miễn dịch và khả năng này cũng có thể giảm dần theo thời gian.
Bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính
TS.BS Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính và nguy hiểm với đặc trưng là có giả mạc (màng giả) ở các vùng a-mi-đan, hầu họng, thanh quản. Bệnh cũng có thể xuất hiện trên da hoặc các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc niêm mạc của đường tiết niệu - sinh dục.
Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và tạo thành dịch. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm phải những dòng vi khuẩn bạch hầu (tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae) có khả năng sản sinh ngoại độc tố (độc tố bạch hầu).
"Đây là một bệnh rất nguy hiểm. Trong các thể bệnh nặng (ví dụ bạch hầu thanh quản), người bệnh thường có tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc rất nặng. Ngoại độc tố bạch hầu gây tổn thương tại chỗ, gây nhiễm độc thần kinh, viêm cơ tim, có thể dẫn đến tử vong trong vài ngày đến 1 tuần. Tỉ lệ tử vong từ 5 - 10%", BS Huỳnh Minh Tuấn cho biết.
Theo TS Tuấn, vi khuẩn bạch hầu có thể lây truyền qua nhiều phương thức như trực tiếp do hít phải chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh (là các giọt nước nhỏ li ti phát ra từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện).
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, vi khuẩn trong chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh từ vài ngày đến vài tuần. Trong sữa, nước uống, vi khuẩn này có thể sống đến 20 ngày và trong tử thi sẽ sống được 2 tuần. Từ đó, vi khuẩn có thể lây nhiễm vào người lành và gây bệnh.
Đối với một số trường hợp hiếm gặp, vi khuẩn có thể lây trực tiếp từ các vết thương trên da. Nguồn lây truyền bạch hầu có thể là người bệnh hoặc người lành mang mầm bệnh. Thời kỳ lây truyền sẽ bắt đầu từ cuối giai đoạn ủ bệnh hoặc ngay khi khởi phát, có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần.
"Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ đều có khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên, người có nguy cơ cao hơn là trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, người cao tuổi có sức đề kháng yếu, hoặc những người mắc các bệnh mạn tính, người đang phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể). Các cộng đồng dân cư có mật độ dân số cao cũng có khả năng lây lan bệnh nhiều và nhanh", TS Tuấn nhấn mạnh.
Sau khi nhiễm vi khuẩn, người bệnh sẽ có một số triệu chứng trong thời gian từ 2 - 5 ngày như: Hình thành các giả mạc màu trắng ngà hoặc xám ở các vùng a-mi-đan, hầu họng, thanh quản. Đặc điểm của giả mạc là bám chặt vào các mô viêm xung quanh, nếu bóc ra sẽ chảy máu.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng phổ biến khác: Sốt, ớn lạnh, sưng cổ, ho, viêm họng, da xanh tái, chảy nước dãi, cảm giác lo lắng. Khi bệnh tiến triển nặng lên, người mắc bạch hầu có thể gặp triệu chứng khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp.
Nói về những biến chứng của bệnh bạch hầu, BS Tuấn cho biết, bệnh nhân có khả năng bị sốc, nhiễm độc thần kinh, tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác, hoặc viêm cơ tim.
Do đó, để điều trị bạch hầu, bệnh nhân cần được dùng kháng ngoại độc tố bạch hầu - huyết thanh kháng độc tố; thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu, thường là các thuốc
penicillin G hoặc erythromycin (thuốc này cũng sử dụng cho người lành mang mầm bệnh); các biện pháp hỗ trợ hô hấp (đặt nội khí quản, thở máy), thần kinh và tim (đặt máy tạo nhịp tim) khi xảy ra các biến chứng.
"Nhìn chung, người đã tiêm phòng bệnh bạch hầu hoặc từng mắc bệnh này sẽ có miễn dịch lâu dài suốt đời. Theo lý thuyết, những người này sẽ không mắc lại bệnh nữa. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng, bản chất của
vắc-xin là giải độc tố (tức là chính bản thân của ngoại độc tố bạch hầu được xử lý làm cho bất hoạt). Do đó, người đã được tiêm đầy đủ liều vắc-xin và có khả năng miễn dịch vẫn có thể nhiễm vi khuẩn và gây ra các bệnh tại chỗ như viêm họng", BS Huỳnh Minh Tuấn cảnh báo.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, nếu cơ thể có một khiếm khuyết nào đó trong hệ miễn dịch, dù được tiêm vắc-xin cũng không tạo ra khả năng miễn dịch và khả năng miễn dịch cũng có thể giảm dần theo thời gian.
Theo chuyên gia này, có thể thực hiện phản ứng Schick để đánh giá hiệu quả của tiêm vắc-xin bạch hầu. Phản ứng Schick (+) nghĩa là cơ thể không có kháng thể bạch hầu và cần phải tiêm vắc-xin. Ngược lại, phản ứng Schick (-) nghĩa là trong cơ thể đã có kháng thể trung hòa độc tố và không cần tiêm vắc-xin.
Phòng bệnh nhờ vắc-xin
Hiện nay, vắc-xin phòng bệnh bạch hầu thường được kết hợp với các vắc-xin phòng bệnh khác như uốn ván, ho gà… trong cùng 1 mũi tiêm. Lịch tiêm chủng cũng có thể có sự khác biệt giữa trẻ nhỏ, trẻ lớn, người lớn, phụ nữ có thai…
BS Tuấn cho biết, thông thường, trẻ nhỏ cần tiêm 3 mũi đầu cách nhau 1 tháng, 1 mũi nhắc lại cách 1 năm, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách 7 - 10 năm. Trẻ lớn và người lớn cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, mũi nhắc lại cách 9 - 12 tháng, sau đó là mũi nhắc lại cách 7 - 10 năm.
Khi tiêm chủng cần lưu ý, nếu bị sốt, nên đợi thân nhiệt về mức bình thường rồi mới tiêm. Người lớn có bệnh nền cần đợi bệnh thuyên giảm rồi mới tiêm và có sự theo dõi của bác sĩ. Phụ nữ có thai nên tiêm phòng bạch hầu trong 3 tháng cuối thai kỳ, bảo vệ em bé khi ra đời.
Chuyên gia khuyến cáo cộng đồng chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, đặc biệt là gia đình có con nhỏ. Cụ thể, người dân cần được tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nắm bắt những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu. Từ đó, mọi người sẽ có kiến thức và năng lực thực hành, nhằm phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng ngừa và cộng tác với cán bộ y tế, cũng như cho trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng bạch hầu.
Ngoài ra, việc giữ nhà ở, nhà trẻ, lớp học, phòng làm việc… thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng mặt trời cũng là yếu tố quan trọng để phòng bệnh bạch hầu. Các phụ huynh được khuyến cáo hướng dẫn trẻ vệ sinh tay với nước và xà phòng, vệ sinh thân thể và vệ sinh hô hấp.
BS Tuấn cho rằng, nên hạn chế đến nơi đông người nếu không cần thiết. Đặc biệt, phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu có thể thì sau khoảng 5 năm tiến hành xét nghiệm phản ứng Schick để đánh giá tình trạng miễn dịch bạch hầu ở trẻ.
Tỷ lệ người mắc bạch hầu giảm dần
Tại Việt Nam, khi chưa thực hiện tiêm vắc-xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh này thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là những nơi có mật độ dân cư cao.
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, tỷ lệ mắc bạch hầu liên tục giảm từ năm 1984 đến nay, tương ứng với sự gia tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng bạch hầu – ho gà – uốn ván. Người mắc bệnh ở nước ta giảm dần từ 3,95/100.000 dân vào năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân trong năm 2000.
Đến năm 2012, Việt Nam đã khống chế tỷ lệ mắc bạch hầu xuống dưới 0,01/100.000 dân. Những ca mắc đa số là trường hợp tản phát hoặc ổ bệnh bạch hầu nhỏ trên quy mô thôn, xã và thường xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo báo cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phối hợp có chứa thành phần kháng nguyên bạch hầu trong nhiều năm đạt trên 90%. Thống kê trong năm 2015 cho thấy, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt tỉ lệ 97,2% trên toàn quốc.
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 người dương tính với bạch hầu tại 3 ổ dịch. Đặc biệt, một bệnh nhi 9 tuổi đã tử vong sau khi mắc căn bệnh này. Hiện tại, có khoảng 1.200 người bắt buộc phải cách ly, điều trị dự phòng. Ở Việt Nam, khoảng 5 năm nay, bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện nhiều tại những tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk… Các ca bệnh có thể xuất hiện rải rác ở một số vùng, hoặc lây lan nhanh chóng thành ổ dịch.