(GD&TĐ) – Khi màn đêm buông xuống Benghazi, âm thanh quen thuộc vang lên khắp thành phố phía bắc ở Libya này: một tiếng nổ và sau đó là tiếng súng. Một quả bom đã được ném vào xe cảnh sát đi tuần tra khiến 1 người bị thương.
Đó là vụ bạo lực mới nhất nhằm vào lực lượng an ninh. 2 tháng trước, cảnh sát trưởng ở đây đã bị bắn chết ngay tại nhà.
2 năm sau khi thành phố thứ 2 của Libya nhen nhóm lên cuộc nổi dậy lật đổ đại tá Gaddafi, nó đã tạo lên hình ảnh một cuộc cách mạng trong đó những chiến binh và tay súng Hồi giáo mạnh mẽ hơn cảnh sát, khiến dân chúng phải hỏi “đất nước ở đâu?”
“Tưởng tượng một thành phố tiếp quản bởi các chiến binh khi những gì bạn mong mốn là ủng hộ nhà nước” – nhà hoạt động Mohammed Buganah cho biết – “người dân cảm thấy không an toàn. Họ rất buồn phiền về điều này”.
Đã có những vụ ám sát nhằm vào các nhà ngoại giao và những người thực hiện nhiệm vụ quốc tế , trong đó có vụ giết chết 11 người tại đại sứ quán Mỹ diễn ra giữa lúc có nhiều vụ bắt cóc, đánh bom, ám sát chủ yếu nhằm vào các quan chức an ninh.
“Mọi người ngày càng lo lắng về phía đông Libya” – một nguồn tin ngoại giao cho biết – “mọi thứ đang bị xấu đi nghiêm trọng”.
Khẳng định rằng an ninh ở khắp Libya là điều được ưu tiên, đặc biệt là tại Benghazi – cái nôi của cuộc cách mạng ngày 17.2 chống lại đại tá Gaddafi nhưng hiện nay nó lại được xem là bàn đạp cho chiến binh Hồi giáo từng bị ông Gaddafi tiêu diệt.
Bộ trưởng Nội vụ Ashour Shuail đã chọn quê hương ông là một phần của dự án khổng lồ trong việc xây dựng một dự án khổng lồ về đội ngũ cảnh sát hiệu quả. “An ninh đang trở nên tốt hơn và các cuộc tấn công đang giảm xuống” – ông nói hồi đầu tháng 1- “Mọi thứ không tồi tệ như trước đây”. Thế nhưng một tuần sau, lệnh giới nghiêm đã được xem xét ở thành phố bên bờ biển Địa Trung Hải với hơn 1 triệu dân này.
Xác chiếc xe cảnh sát sau một cuộc tấn công ở Benghazi |
Không ai chịu trách nhiệm
Một nhà hoạt động khác giấu tên cho biết “không có ai đứng ra chịu trách nhiệm kiểm soát Benghazi”.
Những kẻ nổi dậy chống lại ông Gaddafi trước đây tuyên bố đã được nhập, ít nhất là tượng trưng, vào các tổ chức như Ủy ban An ninh tối cao và quân đội. Tuy nhiên, những chiến binh của các tổ chức như Lá chắn Libya, Raffalah al-Sahati… có nhiều sức mạnh hơn cảnh sát, quân đội và ước tính có lực lượng lên tới hàng ngàn.
“Những binh đoàn kiểm soát lối vào thành phố, những con đường, những cơ sở hạ tầng quan trọng. Cảnh sát không muốn thách thức họ vì không đủ nhân sự” – nhà hoạt động trên cho biết.
Theo các nhà phân tích thì các chiến binh Hồi giáo có sức mạnh rất lớn mặc dù người ta không biết số lượng của họ. Cảnh sát, những người thường thấy khi chỉ dẫn giao thông hay đi tuần tra, thừa nhận rằng họ thường bất lực và là mục tiêu của các cuộc tấn công.
“Chúng tôi chỉ có súng. Họ có xe tăng và vũ khí hạng nặng” – trưởng một đồn cảnh sát cho biết – “Chúng tôi muốn làm nhiệm vụ của mình nhưng một số cảnh sát đơn giản là sợ hãi”.
Bạo lực chủ yếu chống lại các lực lượng an ninh và có thể là các cuộc tấn công trả thù của những cựu tù nhân hoặc những chiến binh muốn áp đảo nhà chức trách. Tuy nhiên, nếu không có lực lượng quân đội và cảnh sát hiệu quả, nhà chức trách có rất ít sức mạnh để đối phó với tội phạm.
Sự lãng quên và cô lập
Điều này không phải là những gì người dân Benghazi mong muốn cho thành phố của mình, nhưng họ thừa nhận rằng cuộc sống đã bị gián đoạn bởi bạo lực và bất ổn khi yêu cầu có quyền tự trị nhiều hơn.
Các vấn đề an ninh của Benghazi càng tạo nên sự bất bình với chính quyền không làm thỏa mãn được người dân mà sự thất vọng của họ đã sôi sục kể từ khi những lãnh đạo nổi dậy rời căn cứ phía đông của mình để tới Tripoli vào tháng 10.2011.
Benghazi giờ đây là nơi người ta có cảm giác bị các nhà lãnh đạo mới của Tripoli lãng quên. Người dân Benghazi chỉ ra những con phố đầy rác rưởi, bệnh viện, trường học cần nâng cấp. Những cửa hàng mới đã được mở, các dự án xây dựng đã khôi phục nhưng họ mong muốn nhiều hơn thế.
“Tất cả số tiền có được từ dầu mỏ đi đâu? Tại sao họ không dùng để giúp chúng tôi” – một cô giáo nói – “Những chính trị gia này ngồi trong khách sạn ở Tripoli và quên chúng tôi rồi”.
Vấn đề lớn hơn là địa vị mới của Benghazi sẽ có ở Libya mới và số tiền có được từ việc bán 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày chủ yếu là từ phía đông Lybia. Sự bất mãn đã dẫn tới những kêu gọi trở về cấu trúc chính trị liên bang trước đây.
Phương Tây lảng tránh Benghazi
Rất ít người phương Tây sống ở Benghazi nơi có làn sóng bạo lực chống lại các nhà ngoại giao và tổ chức quốc tế, trong đó có việc giết đại sứ Mỹ Christopher Stevens và một vụ tấn công bằng súng vào xe hơi của lãnh sự quán Italia vào tháng này.
Việc Anh gọi công dân của mình rời khỏi nơi đây do có sự đe dọa đối với người phương Tây đã cho thấy sự bất ổn ở Benghazi.
Hai năm trước, cuộc nổi dậy chống đại tá Gaddafi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Benghazi nhưng ngày nay thì hoàn toàn khác. “Hầu hết mọi người nói rằng họ rất buồn” – một công nhân dầu địa phương nói – “Một vài người nói họ còn buồn hơn cả trước đây”.
Người dân Benghazi muốn thành phố của mình trở thành thủ đô kinh tế như trước đây và các tổ chức như Tập đoàn Dầu quốc gia được thành lập ở Benghazi sau đó bị ông Gaddafi chuyển về Tripoli, sẽ quay trở lại nơi nó được thành lập.
Phương Hà (Theo Reuters)