Bền vững và thực chất

GD&TĐ - Thị trường lao động các tháng cuối 2022 ghi nhận lượng công nhân thiếu, mất việc tăng mạnh do không có đơn hàng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 12/2022, cả nước có 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.590 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký là 981.300 lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp nhưng giảm 1,3% về vốn đăng ký và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước.

Có 59.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208.300 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Bình quân một tháng có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73.800, gần 50.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 18.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 lại cho thấy có tới 32,6% đánh giá tốt hơn so với quý III/2022; 33,7% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 33,7% đánh giá gặp khó khăn...

Và “quả ngọt” của những kết quả này đó chính là thu nhập bình quân theo tháng của người lao động năm 2022 đạt 6,7 triệu đồng, tăng 16%, tương đương 927.000 đồng so với 2021 và tăng 12,7%, tương đương 759.000 đồng so với năm 2019 - thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

Cụ thể, mức tăng mạnh nhất thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng, ở mức 17,6%, tương đương hơn 1,1 triệu đồng. Tiếp đó là dịch vụ tăng 15,4%, tương đương khoảng 1 triệu đồng và cuối cùng là nông lâm thuỷ sản, tăng 9,8%, tương đương khoảng 448.000 đồng.

Đối với lao động hưởng lương, thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng, tăng 15,1% so với năm ngoái. So với thời điểm trước dịch, thu nhập của nhóm này tăng 12,5%.

Điểm tích cực nữa bên cạnh việc thu nhập tăng là tình trạng thất nghiệp năm 2022 cũng giảm nhẹ so với năm 2021. Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,07 triệu người, giảm hơn 359.000 người so với năm trước. So với năm 2019 trở lại, tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 cao hơn 0,16 điểm phần trăm.

Thực tế, với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đồng lòng, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, năm 2022, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi tích cực, tăng trưởng ở mức cao.

Như GDP đạt 8,02%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% đã đề ra và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Quy mô nền kinh tế được nâng lên mức 409 tỷ USD; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra...

Vậy nhưng bên cạnh những kết quả ấy, vẫn còn rất nhiều trăn trở. Như việc thị trường lao động các tháng cuối 2022 ghi nhận lượng công nhân thiếu, mất việc tăng mạnh do không có đơn hàng, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... Là thị trường lao động có phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm lại và không đạt được như kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động và tỷ lệ lao động phi chính thức cũng tăng...

Bởi vậy, để không chỉ thu nhập của người lao động tăng mà tổng thể nền kinh tế phải giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh, bền vững và thực chất, các vấn đề như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt cũng như lâu dài của nền kinh tế cần tiếp tục được đặc biệt chú trọng hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.