Nghĩa trang của giới nhà giàu và quyền lực được thiết kế đẳng cấp thế nào?
Nằm sâu ở khu Brooklyn, thành phố New York, nghĩa trang Green-Wood là một trong những nơi chôn cất lớn nhất và nổi bật nhất nước Mỹ. Đây cũng là khu nghĩa trang của giới nhà giàu và quyền lực.
Trong thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20, Green-Wood là nơi an nghỉ cuối cùng hàng đầu, lưu giữ phần còn lại của giới thượng lưu trong thành phố, với những người tới từ đa lĩnh vực như kinh doanh, nghệ thuật, công nghiệp và chính trị.
Một số cư dân vĩnh cửu đáng chú ý nhất tại đây, có thể kể tới như nhà chính trị gia William “Boss” Tweed, người sáng lập cửa hàng đồ chơi FAO Schwarz, nhà sản xuất đàn piano Henry Steinway, nghệ sĩ nổi tiếng Jean-Michel Basquiat, nhà soạn nhạc Leonard Bernstein…
Nằm trên khu đất rộng 400 mẫu xây dựng vào năm 1838, Green-Wood trông giống một công viên thành phố hay khu nghỉ dưỡng hạng sang, hơn là một nghĩa trang thông thường.
Lối vào cửa nằm ở phần rìa khu Park Slope, với những cánh cổng thiết kế theo phong cách Gothic thời kỳ Phục hưng.
Bên trong nghĩa trang còn có thung lũng, nhà nguyện, hầm mộ... Khi những người giàu có nhất, quyền lực nhất trong thành phố được chôn cất tại Green-Wood, chẳng có gì ngạc nhiên khi bên trong nghĩa trang có nhiều tượng đài xa hoa.
Green-Wood có 4 ao nước, trong đó, Sylvan Waters là ao nước lớn nhất, được bao quanh bởi các hầm mộ lớn của nhiều cư dân nổi tiếng và giàu có nhất.
Bên bờ ao là nơi chôn cất Emile Pfizer, con trai của Charles Pfizer, người sáng lập công ty dược phẩm Pfizer. Charles Pfizer được chôn cất trong một khu đất riêng tại Green-Wood.
Bên cạnh đó, một số nơi chôn cất lại thiết kế như hầm mộ dành cho các vị Vua. Đó là mộ của Albert Ross Parsons, một nhà soạn nhạc nổi tiếng. Phần mộ của ông có biểu tượng của Ai Cập và Kitô giáo. Nghĩa trang này cũng có nhà nguyện riêng, được xây dựng và khai trương vào năm 1911.
Vào cuối những năm 1800, Green-Wood là nơi chôn cất miễn phí cho những cựu chiến binh tử nạn từ cuộc nội chiến Mỹ. Bắt đầu từ năm 2002, một dự án lớn được triển khai tại đây nhằm tôn vinh 3300 cựu chiến binh tử nạn trong cuộc nội chiến an táng tại nghĩa trang.
Gần đây nhất, người ta đã xây dựng đài tượng niệm các nạn nhân trong vụ va chạm trên không giữa hai máy bay chở khách vào năm 1960. Tai nạn khiến 134 người thiệt mạng và hài cốt của những nạn nhân được đưa tới Green-Wood.