Người dân và chính quyền địa phương tìm mọi biện pháp trữ nước, khoan giếng.... nhưng vẫn không tìm được nguồn nước ngọt, đành nhìn cây kiểng chết khô.
Có hơn 80 gốc mai bị chết khô trị giá trên 200 triệu đồng, ông Hồ Văn Hổ, ở xã An Bình Tây, huyện Ba Tri cho biết, mạch nước ngầm ban đầu còn tận dụng được, nhưng càng về sau càng cạn kiệt và chứa nhiều phèn; tưới cây cũng bị cháy lá. Thấy nguồn nước không đảm bảo, ông mua nước từ xe bồn, với giá 60.000 đồng/m3 để tưới cho cây kiểng. Thế nhưng, cây kiểng vẫn bị trụi lá, rồi chết dần.
“Càng về sau nước càng kiệt, độ phèn, mặn càng cao buộc lòng người dân đổi nước để tưới. Tưới nước bồn cũng vậy, cây mai không phát triển, trụi lá chết từ từ”- ông Hồ Văn Hổ nói.
Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Ba Tri cho biết, địa bàn huyện có hơn 20.000 sản phẩm hoa kiểng bị chết, trong đó có trên 1.500 cây kiểng đã thành phẩm có giá trị cao như mai vàng, nguyệt quế, kim quýt... ước thiệt hại trên 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng chục ngàn hoa kiểng khác đang trong tình trạng khó có khả năng phục hồi.
“Ban thường trực chúng tôi đi khảo sát trong 24 xã thì những nơi nhẹ nhất – nơi có nước ngọt ngầm là thiệt hại 50%, còn những vùng khác thì thiệt từ từ 70-80%, thường là nhưng cây đẹp lớn giá trị cao như mai vàng, nguyệt quế, mai chiếu thủy. Năm nay về tết có lẻ sản lượng rất kém”.
Tỉnh Bến Tre hỗ người dân kinh phí khoan 70 giếng nước ngầm, trị giá gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này không mang lại hiệu quả vì mạch nước ngầm hầu như đã cạn kiệt.