Theo dự thảo, định hướng phát triển các trung tâm GDTX trong thời gian tới là sẽ sáp nhập 2 trung tâm cấp huyện là trung tâm GDTX và trung tâm dạy nghề thành một trung tâm (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) để thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề theo theo thông tư liên tịch của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ.
Bên cạnh đó, từng bước bổ sung đầy đủ, đồng bộ cán bộ quản lý và giáo viên cho hoạt động giáo dục thường xuyên, đáp ứng yêu cầu mở rộng thực hiện chức năng, nhiệm vụ phù hơp giai đoạn phát triển mới (giáo viên dạy đủ các môn văn hóa, dạy nghề phổ thông, dạy ngoại ngữ, tin học ứng dụng...).
Hiện toàn tỉnh Bến Tre có 10 trung tâm GDTX trực thuộc Sở (trong đó có 9 trung tâm trên địa bàn huyện, thành phố, 1 trung tâm cấp tỉnh) và 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh.
Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trung tâm từng bước được bổ sung tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu dạy và học tại các trung tâm.
Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững, tỷ lệ học viên xếp loại học lực khá giỏi và hạnh kiểm khá tốt tăng, tình trạng học viên bỏ học giảm.
Thành quả phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì và phát triển, nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã được nâng cấp, bổ sung song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục của học viên. Việc đầu tư xây mới trung tâm GDTX còn gặp khó khăn về nguốn vốn.
Bên cạnh đó, chưa có quy định về biên chế cho trung tâm GDTX. Đội ngũ giáo viên trung tâm GDTX tuy được bổ sung nhưng vẫn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và giáo dục học viên.
Chất lượng đầu vào rất thấp, số học sinh học lực yếu kém cao, việc chấp hành nội quy chưa tốt, học viên thiếu tính chuyên cần trong học tập...