Bền bỉ tình yêu ký họa Hà Nội

GD&TĐ - Cùng nhau vẽ những bức ký họa về phố phường Hà Nội, với các thành viên của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi - USK Hà Nội), vừa là tình yêu, là trách nhiệm mà họ tự nhận đối với mảnh đất đang sống…

Cầu Long Biên được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1902. Tranh: Sutien Lokulprakit
Cầu Long Biên được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1902. Tranh: Sutien Lokulprakit

Thỏa niềm đam mê

Chỉ trừ thời gian thực hiện giãn cách xã hội, còn thì cứ cuối tuần, các họa sĩ USK Hà Nội lại hẹn nhau ở một góc phố nào đó. Có thể nơi đó còn những ngôi biệt thự Pháp thâm trầm, có thể là một góc phố Tây với vỉa hè vàng ươm lá sấu, hay có khi lại hẹn nhau bên một di tích lịch sử như Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, chùa Quán Sứ…

Thậm chí, có khi nhóm hẹn nhau rất khuya, để ký họa phố́ đêm. Lại có khi, để thực hiện lời hẹn vẽ bình minh phố cả nhóm lại hội tụ từ 4 giờ sáng.

Hơn 5 năm trước, chính xác là tháng 9/2016, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội ra đời do các kiến trúc sư (KTS) Trần Thị Thanh Thủy, Đinh Hải, Chu Quốc Bình, Nguyễn Hoàng Lâm sáng lập. Gắn bó sâu nặng với Hà Nội, bởi vậy, họ mong muốn lưu giữ vẻ đẹp và lan tỏa tình yêu Hà Nội tới cộng đồng thông qua những bức ký họa.

Cũng rất nhanh chóng, các thành viên sáng lập đã lựa chọn một hướng đi chung cho nhóm: Tìm hiểu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc của các địa danh trong thành phố, đặc biệt quan tâm đến những công trình cổ có giá trị trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội.

Từ định hướng đúng đắn ấy, nhóm đã nhanh chóng quy tụ được rất đông thành viên tham gia. Điều thú vị và làm nên sự đa dạng của nhóm cũng chính là sự đa dạng của thành viên, từ giới chuyên môn với những nhà kiến trúc, họa sĩ cho tới nhân viên văn phòng, sinh viên các trường đại học, thậm chí cả học sinh tiểu học... Đến nay, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã có trên 5.000 thành viên ở khắp mọi miền đất nước và cả bạn bè quốc tế tham gia.

Ký họa là hình thức vẽ nhanh, ghi lại những nét chủ yếu nhất về cảnh vật, con người, tùy thuộc vào ý định của mỗi người để làm tài liệu cho sáng tác tranh, tượng.

Ký họa đô thị là một phần trong ký họa. Mỗi người lại có cách truyền tải khác nhau trên trang giấy. Người vẽ bằng chì, bằng dạ chỉ với màu đen, trắng nhưng có người lại thích điểm tô màu sắc, tạo nên sự phong phú trong tranh.

“Ngay từ khi thành lập chúng tôi đã xác định, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội gồm các thành viên yêu Hà Nội, yêu cái đẹp và mong muốn lưu giữ những giá trị của đô thị thông qua ký họa, một hình thức ghi lại nhật ký đô thị bằng hình ảnh.

Hoạt động của nhóm không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và kiến trúc của các công trình đô thị mà còn lan tỏa tình yêu với đô thị cho cộng đồng bằng ký họa”, KTS Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng nhóm Ký họa đô thị Hà Nội chia sẻ.

KTS Trần Thị Thanh Thủy cũng bật mí: Thông qua vai trò hướng dẫn, các họa sĩ gạo cội mong muốn truyền lửa cho tất cả các thành viên. USK Hà Nội đang từng ngày, từng giờ vẽ và ghi chép lại những công trình cổ, những góc phố, khung cảnh đẹp, lối sống, bản sắc và giá trị văn hóa đang dần bị mai một bởi quá trình hội nhập và đô thị hóa tại Việt Nam...

Ngoài ra, các thành viên sáng lập USK Hà Nội còn hướng đến mục tiêu xã hội, kết nối cộng đồng và nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, nơi có nền văn hiến lâu đời và đậm bản sắc riêng. Mọi thành phần xã hội đều có thể tham gia, chia sẻ và đánh giá.

Bìa sách ký họa Ấn tượng Hà Nội.

Bìa sách ký họa Ấn tượng Hà Nội.

Hồi tưởng và sẻ chia

Thông qua ký họa đô thị, các thành viên lớn tuổi được hồi tưởng và sẻ chia những ký ức về Hà Nội, về quê hương với bạn bè và các thế hệ sau.

Còn các bạn trẻ lại có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử ấy. Với trẻ em, các con là cánh tay nối dài và tương lai của nhóm. Các con thêm yêu quê hương, Thủ đô, yêu cái đẹp và thế giới mà các con đang sống.

Không thể có một con đường nếu ta không khởi những bước đi đầu tiên. Với nhóm Ký họa đô thị Hà Nội, người ta có thể dễ dàng nhận thấy những dấu chân họ đã để lại trên từng góc phố của Hà Nội. Không chỉ thế, họ còn tổ chức nhiều hoạt động chung, hoặc các cuộc triển lãm nho nhỏ hay thậm chí đăng cai tổ chức Hành trình Ký họa châu Á - Hà Nội 2019 thu hút nhiều họa sĩ quốc tế tham gia.

Bên cạnh đó, USK Hà Nội còn làm được nhiều công trình giá trị, trong đó không thể không nhắc tới các cuốn sách như “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”, “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” và mới nhất là “Ấn tượng Hà Nội từ ký họa những công trình thời Pháp”.

“Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” với khoảng 200 bức ký họa khi ra mắt năm 2018 đã nhận được sự đón nhận của nhiều người. Ở đó, người ta như được sống lại với những ký ức từ các khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Trung Tự, Khương Thượng, Thành Công, Giảng Võ, Kim Liên đến khu Nam Đồng, Thanh Xuân Bắc…

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trước đây mang tên Viện Viễn Đông Bác cổ hay Bảo tàng Louis Finot, khởi công năm 1925 và hoàn thành năm 1932, do KTS Ernest Hébrard thiết kế. Tranh: Phạm Thanh Sơn.

 Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trước đây mang tên Viện Viễn Đông Bác cổ hay Bảo tàng Louis Finot, khởi công năm 1925 và hoàn thành năm 1932, do KTS Ernest Hébrard thiết kế. Tranh: Phạm Thanh Sơn.

Bưu điện Bờ Hồ (số 1 Lê Thạch) do KTS Auguste Henri Vildeu thiết kế, được đưa vào sử dụng năm 1896. Tranh: Trần Thị Thanh Thủy.

Bưu điện Bờ Hồ (số 1 Lê Thạch) do KTS Auguste Henri Vildeu thiết kế, được đưa vào sử dụng năm 1896. Tranh: Trần Thị Thanh Thủy.

Còn ở cuốn “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” ra mắt công chúng đầu năm 2019 lại dựng lên một câu chuyện khác. 87 con phố và ngõ Hà Nội thân thuộc, giàu chất thơ được nhóm cặm cụi vẽ trong suốt 3 năm bất kể thời tiết biến động thế nào.

Từng góc phố, từng mái nhà, những khuôn cửa, những bảng hiệu mang vết dấu thời gian được nhìn qua lăng kính của các họa sĩ, các KTS, và hiện ra trên những bức ký họa khiến người ta, dù ở gần hay đang ở xa, đều thấy yêu, thấy nhớ Hà Nội lạ kỳ.

Đan xen với những bức ký họa ấy, là các bài viết vừa cung cấp tư liệu về khu phố cổ Hà Nội, vừa gợi lại ký ức hoặc cảm hứng với nhiều câu chuyện, nhiều trải nghiệm mà các nhà văn, họa sĩ, KTS đã ghi lại. Nó sống động như ta có thể chạm tay vào, thậm chí có thể ngửi thấy “mùi Hà Nội”, có thể biết thêm nhiều câu chuyện phía sau những ngôi nhà trong khu phố cổ khi đọc bài của GS.KTS Phạm Đình Việt, Nguyễn Ngọc Huân, Nguyễn Gia Chiêu…

Với “Ấn tượng Hà Nội - Từ ký họa những công trình thời Pháp”, vẫn tiếp tục cách làm như hai cuốn trước, nhưng USK Hà Nội đã mở ra một không gian mới, những câu chuyện mới. Cùng với 10 bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ, KTS, nhà quản lý và quy hoạch đô thị, là 150 ký họa các công trình thời Pháp được nhóm vẽ suốt một năm qua. Đó là những góc đa diện mang tới cái nhìn sâu hơn, phong phú hơn về Hà Nội với không gian và kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc.

KTS Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ, số tranh được đưa vào cuốn sách chỉ là một phần nhỏ so với hàng chục nghìn bức tranh đã ra đời khi nhóm Ký họa đô thị Hà Nội rong ruổi trên các con phố, lan tỏa tình yêu, niềm trân quý các giá trị công trình thời Pháp. Trong đó, nhiều bức vẽ “phóng chiếu” chi tiết độc đáo, nhiều bức vẽ kịp lưu lại hình dáng cuối cùng trước khi nét đẹp kiến trúc ấy không còn nữa…

Mỗi ngày có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn bức ảnh chụp lại phong cảnh, phố phường Hà Nội. Nhưng không nhiều người có khả năng ký họa như nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đang làm. Vì thế, dấu ấn của họ để lại có nét riêng, có sự độc đáo khó lẫn. Tình yêu Hà Nội của họ lại bền bỉ hơn, lan tỏa và ngày càng cuốn hút hơn qua những chuyến đi thực tế, qua những cuốn sách như những trang nhật ký hành trình.

“Mối tình Hà Nội” của họ cũng có những tiếc nuối, khi có những góc phố, mái nhà chưa kịp vẽ đã bị biến dạng, thậm chí người chủ sở hữu phá đi xây mới. Cũng có những công trình, mới tháng trước thôi họ còn ngồi vỉa hè để ký họa, thì sang tháng này đã mất dấu. Nhưng không vì thế mà họ thôi yêu Hà Nội. Hi vọng, đó là một tình yêu vĩnh cửu…

Vượt qua những ngày giãn cách

Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội trong một buổi đi ký họa phố.

Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội trong một buổi đi ký họa phố.

ăm 2020 là một năm đặc biệt bởi Covid-19 thình lình ập đến khiến mọi thứ xáo trộn. Với USK Hà Nội, nhiều kế hoạch cũng bị thay đổi, nhưng không vì thế mà tình yêu Hà Nội của họ giảm đi. Trong những ngày giãn cách xã hội, USK Hà Nội đã phát động thử thách vẽ ký họa liên tục trong 14 ngày.

KTS Chu Quốc Bình cho biết: Lý do chúng tôi mở ra thử thách vẽ liên tục trong 14 ngày là vì, trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, mọi người hạn chế ra đường, hội họa chính là phương thuốc tinh thần cho mỗi người vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.

Đây cũng là hoạt động giải trí bổ ích, giúp người dân thư giãn và mang lại tinh thần sảng khoái. Vì thế nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã đưa ra thử thách này cho các thành viên và cộng đồng.

Sau hơn một tuần phát động, thử thách đã thu hút được nhiều đối tượng, lứa tuổi tham gia, đóng góp hàng trăm bức tranh thú vị, đa dạng về góc nhìn, góp phần cổ vũ, động viên cộng đồng cùng chung tay thực hiện những việc làm có ý nghĩa để đẩy lùi dịch bệnh.

Đặc biệt, qua các tác phẩm, người xem có thể cảm nhận về sự khẩn trương, quyết liệt và nhiều điểm riêng có của Hà Nội trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19. Đó là những chia sẻ về bữa ăn quây quần, bài tập thể dục nâng cao sức khỏe, biện pháp thực hiện phòng, chống dịch hữu hiệu...

Sau 14 ngày, 400 bức ký họa của 50 thành viên đã được công bố. Con số này quả thực đã nói lên phần nào sự tích cực, hăng hái và cam kết của các thành viên cũng như hiệu ứng của thử thách lần này.

Năm nay, tranh thủ những khoảng lặng của các “đợt sóng” Covid-19, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội vẫn tiếp tục những dự án đang ấp ủ của mình. Trong đó, đáng chú ý là tháng 4 vừa qua, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã vào Huế, phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế tổ chức “Hành trình Ký họa di sản Cố đô Huế 2021”.

Diễn ra từ ngày 23 - 25/4, 70 KTS, họa sĩ, nghệ sĩ và những người yêu ký họa ở Huế và Hà Nội tham gia ký họa tại Đại Nội, phong cảnh nội thành, phố cổ Bao Vinh, cầu ngói Thanh Toàn, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, lăng Minh Mạng, lăng Gia Long, nhà vườn...

Đây là hành trình nghệ thuật nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế thông qua ký họa các công trình kiến trúc, các công trình văn hóa, cảnh quan, con người, ẩm thực Huế.

Những tác phẩm có chất lượng tốt sẽ được Bảo tàng Mỹ thuật Huế lựa chọn triển lãm, ứng dụng một số hình ảnh ký họa về Huế in lên áo dài, nón, áo pull, túi xách... trưng bày trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.