“Con đã về nhà – Ký họa cách ly Covid”: Những yêu thương vô điều kiện

“Con đã về nhà – Ký họa cách ly Covid”: Những yêu thương vô điều kiện

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa xuất bản ấn phẩm “Con đã về nhà – Ký họa cách ly dịch Covid” của du học sinhNguyễn Tăng Quang. 

Cuốn sách ghi lại bằng hình ảnh của những người con xa đất nước đang học tập, sinh sống ở nước ngoài trở về Việt Nam khi dịch bùng phát. 

Báo Giáo dục&Thời đại có cuộc trò chuyện với Quang.

Ấn tượng với khu cách ly

- Ngành học của Tăng Quang có ảnh hưởng đến ý tưởng vẽ ký họa về Covid-19?

Du học sinh Nguyễn Tăng Quang: Em đang theo học thạc sĩ ngành Design Management (Quản lý thiết kế) tại Trường University of the Arts London (Anh quốc), trường đại học xếp hạng số 2 thế giới về Arts và Designs. 

Đây là một ngành tương đối mới, chỉ mới xuất hiện trong chương trình học của các trường ở châu Âu và Mỹ trong khoảng 5, 6 năm trở lại đây. Nó là ngành học nằm ở giữa Business, Marketing và Design.

Khi ở trong khu cách ly, em có rất nhiều thời gian rảnh, vì bữa ăn, chỗ ở, các điều kiện sinh hoạt đã được trung tâm chăm sóc tận tình. Em muốn tận dụng khoảng thời gian này để làm những công việc mà em yêu thích, nên đã quyết định vẽ lại bộ tranh ký họa

Thật ra ban đầu em dự định vẽ về phong cảnh, nhưng khoảng thời gian ở đây em được chứng kiến rất nhiều hình ảnh đẹp và giàu cảm xúc, nên em muốn lưu lại qua các bức ký họa. Ngoài ra, em cũng muốn dành các bức tranh như một món quà cảm ơn cho sự quan tâm, giúp đỡ của các anh chị bác sĩ, cán bộ ở đây.

- Ấn tượng của Quang về khu cách ly Covid-19 như thế nào?

Khi vừa được xe đưa đón chở về trung tâm cách ly từ sân bay, tụi em thật sự ấn tượng về không gian nơi mọi người sẽ chung sống cùng nhau 2 tuần sau đó. 

Em thực hiện cách ly ở Trường Quân sự Quân khu 7, TPHCM. Ngôi trường nằm ở ngoại vi thành phố, với rất nhiều cây xanh và những khoảng sân thể thao rộng rãi. 

Để vào đến 2 khu nhà cách ly, mọi người được đưa qua con đường màu xanh với những hàng cây cao ở hai bên. Nơi đây còn rất yên tĩnh và trong lành, tách biệt với những bộn bề bên ngoài. Vậy nên khi vừa đặt chân đến, dù có chút lo lắng em cảm thấy khá hào hứng cho những ngày sắp tới.

Sau một vài ngày đầu tiên, em rất cảm kích trước những quan tâm, chăm sóc nhiệt tình từ cả các anh chị y bác sĩ, chiến sĩ, cán bộ ở trung tâm. Các bác sĩ luôn thăm khám định kỳ ngày 2 lần, tư vấn đầy đủ, và giải đáp các thắc mắc để mọi người không bị áp lực. Các anh chiến sĩ thì chăm lo cho từng bữa ăn, thức uống, ngày 3 lần chuyển đến tận tay cho từng bạn.

“Con đã về nhà – Ký họa cách ly Covid”: Những yêu thương vô điều kiện ảnh 1
Nguyễn Tăng Quang. Ảnh: NVCC.

Trước khi về nước, em khá hoang mang về việc thực hiện cách ly. Em nghĩ đó giống như là trách nhiệm, nghĩa vụ, một nơi sinh sống tạm thời để bảo đảm sự an toàn trước khi được trở về với gia đình. 

Nhưng những trải nghiệm ở đây đã làm em thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình. 14 ngày cách ly, với em rất đẹp và đáng nhớ, cuộc sống đơn giản, bình dị nhưng nhiều tiếng cười, sự quan tâm, sẻ chia. Đó giống như một mái nhà lớn, trước khi mọi người được trở về mái nhà nhỏ của mình.

Nguồn năng lượng tích cực

- Quang học và bắt đầu vẽ từ khi nào?

Em chỉ là một người nghiệp dư, không được học vẽ bài bản. Em yêu thích vẽ và bắt đầu vẽ từ khi còn rất nhỏ, khoảng 2, 3 tuổi. 

Em bắt đầu vẽ nhiều hơn khi học cấp 3 và chuẩn bị ôn luyện để thi vào Trường ĐH Kiến trúc TPHCM. Khi ở trường ĐH, ngoài các môn học chính về thiết kế, kỹ thuật, hay văn hóa xã hội, tụi em được học thêm cơ bản về hội họa để hiểu hơn về không gian, tỷ lệ, bố cục và có thể truyền đạt các ý tưởng của mình lên mặt giấy. Nhưng về cơ bản, đây chỉ là một phần học phụ trợ và không chuyên sâu như chương trình học của các bạn họa sĩ.

Khi ra trường, ngoài đi làm kiến trúc, em thường đi dạy vẽ ở trung tâm vào cuối tuần. 

Ban đầu, em chỉ muốn tìm một môi trường để thư giãn, và được học thêm từ các anh chị họa sĩ chuyên nghiệp ở trung tâm. Em làm song song cả hai công việc này cho đến lúc em đi du học. 

Sự giúp đỡ, dìu dắt của các anh chị họa sĩ đi trước giúp em tiến bộ khá nhiều. Sau một thời gian đi dạy vẽ như một cách giải trí và cân bằng cuộc sống, em nhận được lời mời của khá nhiều nhãn hàng, công ty để tổ chức các sự kiện, chương trình cho họ. 

Được làm việc với các tổ chức quốc tế giúp em tự tin hơn và đa dạng góc nhìn, lăng kính quan sát cuộc sống, điều mà theo em cũng quan trọng không kém như kỹ thuật của đôi tay trong lĩnh vực nghệ thuật.

- Lý do Quang hợp tác với NXB Phụ nữ Việt Nam để ra sách?

Việc được hợp tác với NXB Phụ nữ hoàn toàn nằm ngoài dự định của em. Ban đầu khi chia sẻ bộ tranh lên mạng xã hội, em không hề nghĩ lại được mọi người đón nhận rộng rãi như vậy. 

Sau khi đăng tải cả 2 album của bộ ký họa, NXB Phụ nữ Việt Nam có liên hệ với em và đề nghị cùng thực hiện một cuốn sách, như là cách ghi lại một sự kiện lịch sử đặc biệt, một hoàn cảnh khó khăn mà cộng đồng đã cùng nhau chung sức vượt qua.

Là một người yêu sách, em rất vui vì bộ tranh có cơ hội được xuất hiện một cách chính thống, nhưng cũng khá lo lắng vì em không có kinh nghiệm biên tập sách và thời gian cho dự án rất gấp. Nhưng sau nhiều lần trao đổi với các anh chị NXB, em hiểu được rằng cuốn sách sẽ hỗ trợ gây quỹ, phần nào giúp ích cho các hoàn cảnh khó khăn sau Covid-19. 

Ngoài ra, các anh chị NXB cũng rất tâm huyết cho dự án này, rất nhiều anh chị đã quyết định làm không lương để hỗ trợ gây quỹ cho sách. Vậy nên, em và rất nhiều bạn du học sinh khác cùng cách ly đã cùng nhau phát triển nội dung cuốn sách.

Cuốn sách được minh họa phần chính từ các bức tranh ký họa của em, nhưng nội dung là sự đóng góp, phát triển của rất nhiều con người, và mọi người đều dành cho sách rất nhiều tình cảm như đứa con tinh thần của mình. 

Việc được biên tập trong vòng một tháng chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, nhưng em hy vọng cuốn sách có thể mang lại phần nào nguồn năng lượng tích cực cho bạn đọc.

- Xin cám ơn Nguyễn Tăng Quang!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ