Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn BelTA hôm 7/12, Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Minsk, Sergey Lagodyuk, cho biết, quyết định triển khai tên lửa siêu thanh Oreshnik mới của Nga tại Belarus là phản ứng trực tiếp trước kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung tại Đức của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ký một hiệp ước an ninh vào ngày 6/12, cho phép cả hai nước sử dụng mọi lực lượng và phương tiện theo ý mình.
Sau cuộc họp, Tổng thống Putin cho biết, hệ thống tên lửa Oreshnik có thể được triển khai tại Belarus sớm nhất là vào nửa cuối năm sau, tùy thuộc vào thời điểm chúng được đưa vào phục vụ thường xuyên với các lực lượng chiến lược của Nga.
"Quyết định triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik trên lãnh thổ Cộng hòa Belarus được đưa ra nhằm đáp trả các động thái của Mỹ và Đức nhằm triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu", ông Lagodyuk nói.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2024, Washington và Berlin tuyên bố rằng, tên lửa đa năng Standard Missile-6 (SM-6), tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và một tên lửa siêu thanh vẫn đang trong quá trình phát triển sẽ được triển khai tại Wiesbaden, Đức từ năm 2026 trở đi.
Tên lửa SM-6 có tầm bắn lên tới 460km, trong khi tên lửa hành trình Tomahawk có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 2.500km, nằm trong phạm vi tấn công tới Moscow, St. Petersburg và các thành phố lớn khác của Nga.
Động thái này trước đây đã bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, mà Mỹ đã đơn phương rút khỏi vào năm 2019, với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản.
Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2024, ông Putin cho biết, Nga sẽ "coi mình được tự do" tiếp tục triển khai tên lửa tầm trung, và sẽ áp dụng "các biện pháp tương tự" để đáp trả quyết định của Mỹ và Đức.
Quân đội Nga đã tiến hành cuộc thử nghiệm chiến đấu đầu tiên của tên lửa Oreshnik vào tháng trước, sử dụng nó để tấn công một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine tại Dnepropetrovsk bằng nhiều đầu đạn.
Cuộc thử nghiệm diễn ra sau khi Mỹ, Pháp và Anh cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa của họ để tấn công vào lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận, nhằm mục đích chứng minh rằng, "sẽ luôn có phản ứng" trước sự leo thang của phương Tây, Tổng thống Nga cho biết sau đó.
“Bất kỳ Oreshnik nào được triển khai ở Belarus sẽ do Lực lượng tên lửa chiến lược Nga (RSMF) vận hành”, Tổng thống Putin giải thích vào ngày 6/12. Tuy nhiên, ông lưu ý, Belarus sẽ tự chọn mục tiêu tiềm năng cho tên lửa dựa trên nhu cầu an ninh của riêng mình.