Bệ phóng thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 4/7,Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức hội thảo “Khởi động chương trình: Bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội ”. Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp, trường đại học tham dự.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo khởi động “Chương trình bệ phóng hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tạo tác động xã hội” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về Kinh doanh tạo tác động xã hội và cung cấp thông tin. Hội thảo kết hợp trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của gần 200 chuyên gia đến từ các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết: Hội thảo Khởi động chương trình: Bệ phóng hạt nhân sáng tạo, thúc đẩy tạo tác động xã hội là hoạt động mở màn trong chuỗi hoạt động của chương trình Bệ phóng hạt nhân sáng tạo, thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội.

"Qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn có được những chia sẻ hữu ích qua góc nhìn của các chuyên gia và doanh nghiệp, cùng với sự cam kết hợp tác nhiều bên hỗ trợ đồng hành, thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam", PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nói.

Các đại biểu đến từ doanh nghiệp, trường đại học, trung tâm ươm tạo tham luận tại Hội thảo

Các đại biểu đến từ doanh nghiệp, trường đại học, trung tâm ươm tạo tham luận tại Hội thảo

Các đại biểu đến từ doanh nghiệp, trường đại học, trung tâm ươm tạo, các đơn vị nhà nước tham gia hỗ trợ doanh nghiệp đã cùng nêu ý kiến về vai trò của đội ngũ hạt nhân sáng tạo thúc đẩy kinh doanh tác động xã hội và trải nghiệm gian hàng triển lãm của doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB).

Thực tế cho thấy, trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp SIB vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua tạo việc làm và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhóm yếu thế (trẻ em, phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19...).

Các giảng viên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương và nhóm người khuyết tật với sản phẩm của mình.

Các giảng viên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương và nhóm người khuyết tật với sản phẩm của mình.

Tuy vậy, SIB tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều các khó khăn, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Để thúc đẩy sự phát triển của loại hình này, cần có một hệ sinh thái toàn diện, phát triển năng lực để hỗ trợ đánh giá và mở rộng thị trường, cũng như cung cấp các nguồn tài trợ và đầu tư. Trong đó, các tổ chức hỗ trợ có vai trò quan trọng đối với các SIB.

Từ thực tế hoạt động, các đại biểu đã làm rõ việc kinh doanh tạo tác động xã hội là hoạt động thương mại trong đó cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội là nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức. Cân bằng giữa mục tiêu lợi nhuận, đem lại hạnh phúc cho con người sẽ hướng tổ chức đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Mặc dù có nhu cầu rất cao từ phía các SIB, các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB trong hệ sinh thái phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể hoàn thành được vai trò của mình. Các tham luận đều khẳng định, kinh doanh tạo tác động xã hội hướng tới nhóm yếu thế, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ làm chủ và những người có thu nhập thấp ... cần được đặc biệt quan tâm và nỗ lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, 82 cơ sở ươm tạo và thúc đẩy cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và 61 tổ chức đầu tư khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Rất ít tổ chức tập trung hỗ trợ SIB và chưa có công cụ hiệu quả để đo lường tác động của SIB đối với xã hội. Ngoài ra, hầu hết các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB là phi lợi nhuận, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài trợ nên thiếu nguồn vốn và có mô hình tài chính chưa bền vững để thực hiện các mục tiêu của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ