(GD&TĐ) - Hội thi thể thao HS khuyết tật toàn quốc diễn ra theo chu kỳ 2 năm một lần, nhằm tạo cơ hội cho các em HS khuyết tật được thường xuyên tập luyện, học tập, vui chơi trong mọi môi trường và đời sống xã hội. Hơn thế, đây còn là dịp để thể hiện sự quan tâm chăm sóc GD của Đảng, Nhà nước đến các HS khuyết tật nói chung và của Bộ GD và Đào tạo nói riêng. Đồng thời, cũng là để tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động học tập và rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, cũng như hướng mọi hoạt động của nhà trường vào sự nghiệp đổi mới GD - đào tạo trong các trường...
|
Bà Cao Thị Hải và ông Lê Mạnh Hùng và đại diện BTC trao cờ nhất, nhì, ba toàn đoàn |
Sau gần 10 ngày tranh tài sôi nổi, hào hứng, nhiệt tình và cũng rất quyết liệt, Hội thi thể thao HS khuyết tật toàn quốc lần thứ IV năm 2011 diễn ra tại Thành phố Thái Bình - tỉnh Thái Bình đã khép lại chiều tối ngày 12/12/2011, nhưng âm vang niềm vui lạc quan, với những tình cảm trong sáng và ý chí nghị lực vượt lên chính mình để chiến thắng của các em HS khuyết tật quả thực sẽ còn mãi mãi đọng lại trong lòng mọi người. Tới dự Lễ bế mạc có bà Cao Thị Hải – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - Trưởng BCT, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HS sinh viên (Bộ GD và Đào tạo) – Phó BTC Hội thi, cùng đại diện lãnh đạo của một số ban ngành của Trung ương, Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Thái Bình...
Đến với Hội thi thể thao HS khuyết tật lần này có 12 đoàn tham dự với gần 500 vận động viên thuộc các Sở GD – Đào tạo, các Trung tâm GD trẻ khuyết tật là: Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Nguyên, Phú Yên, Hải Phòng và đoàn chủ nhà Thái Bình.
Trong thời gian thi đấu, các em đã tranh tài ở 116 nội dung của 6 môn với 48 bộ huy chương là: Điền kinh – chạy 60m (thi đấu theo hai lứa tuổi là từ 14-16 tuổi và từ 13 tuổi trở xuống), bật xa tại chỗ dành cho các em HS khiếm thị, khiếm thính (nam, nữ); Cờ vua thi đấu cá nhân và đồng đội (hai lứa tuổi là từ 14-16 tuổi và từ 13 tuổi trở xuống) dành cho HS khiếm thính (nam, nữ); Bóng đá mini dành cho HS khiếm thị, khiếm thính (mỗi đội 5 cầu thủ - nam) và thi đấu 2 hiệp mỗi hiệp 20 phút; Kéo co dành cho HS khiếm thính (nam, nữ - mỗi đội 7 người và tuổi từ 16 trở xuống); Cầu lông dành cho HS khiếm thính (đơn và đôi - nam, nữ của hai lứa tuổi từ 14 đến 16 và 13 tuổi trở xuống) và bóng bàn dành cho HS khiếm thính thi đấu ở những nội dung đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam, nữ phối hợp ở hai lứa tuổi từ 14 đến 16 và 13 tuổi trở xuống. Các vận động viên HS tham gia Hội thi là những HS khuyết tật đang học tập tại các trường, trung tâm GD trẻ khuyết tật, HS khuyết tật đang học hoà nhập và bán hoà nhập tại các trường THCS, THPT trong toàn quốc, có đội tuổi đời không quá 16.
|
Đội bóng đá HS khiếm thính tỉnh Đồng Nai đã xuất xắc vượt qua các đội bóng khác để giành chức VĐ tại Hội thi |
Kết quả cuối cùng, Nhất toàn đoàn thuộc về đoàn Quảng Bình với tổng số 37 huy chương các loại (14 HCV, 10 HCB và 13 HCĐ); xếp thứ hai là đoàn Đồng Nai với tổng số 19 huy chương (11 HCV, 4 HCB và 4 HCĐ); đứng ở vị trí thứ ba là đoàn chủ nhà Thái Bình với 31 huy chương các loại (7 HCV, 15 HCB và 9 HCĐ); tiếp theo là các đoàn Thái Nguyên với tổng số 34 huy chương các loại (7HCV, 9HCB, 18HCĐ); Đà Nẵng 21 huy chương (5HCV, 4 HCB, 12HCĐ); Quảng Ngãi 17 huy chương (5HCV và 11 HCĐ); Quảng Trị 26 huy chương (4HCV, 9 HCB và 13 HCĐ); Bà Rịa – Vũng Tầu 3 huy chương (2HCV và 1HCĐ); Hà Nội 15 huy chương (1HCV, 2HCB, 12HCĐ)... Ngoài các giải trên, BTC và các nhà tài trợ còn trao một số học bổng và sổ tiết kiệm cho các em HS có thành tích cao tại Hội thi.
Có thể nói, Hội thi thể thao HS khuyết tật toàn quốc là một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc. Hội thi đã và đang thực sự là một sân chơi hấp dẫn, bổ ích, có ý nghĩa GD cao đối với các em HS khuyết tật. Qua Hội thi, chúng ta đều cảm nhận được niềm vui, lạc quan yêu đời, được hoà nhập, giao lưu và thể hiện ý chí, nghị lực tình cảm của các em HS khuyết tật bằng năng khiếu hoạt động thể thao và năng khiếu văn nghệ để vượt lên chính mình trong cuộc sống.
Trung Toàn