Theo lời kể của mẹ bé, khi đang tắm biển, do thấy sứa dạt lại gần, trẻ đã vòng tay ôm. Sau đó trẻ bị tổn thương da nặng, bao gồm rát đỏ, sẩn đỏ, mụn nước, phỏng nước thành vệt, sưng nề, trợt rỉ dịch, viêm tấy, kèm theo ngứa, bỏng rát, châm chích tại vùng cẳng tay và mu bàn tay hai bên, ở vị trí tiếp xúc với xúc tu sứa. Sau khoảng một tuần điều trị, tình trạng của trẻ đã dần cải thiện.
Chuyên gia y tế cho biết, kích thước và màu sắc của loài sứa rất đa dạng. Cấu tạo của sứa bao gồm phần thân hình trong suốt với xúc tu dài có thể lên đến 60m tùy loài, chứa hàng nghìn sợi lông xoắn giống như gai có nọc độc.
Trên xúc tu của sứa có hàng triệu tế bào châm nhỏ li ti. Các tế bào này sẽ phóng ra những sợi lông tẩm độc, đâm xuyên qua da và tiêm độc tố vào cơ thể con người hoặc các sinh vật khác khi tiếp xúc phải sứa độc.
Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp mà khi tiếp xúc sẽ có những biểu hiện khác nhau. Tại Việt Nam, theo các nhà hải dương học, loài sứa độc bao gồm sứa lửa, sứa bắp cày và sứa vòng.
Khi trẻ đã tiếp xúc với sứa, nếu có một trong các biểu hiện như buồn nôn, nôn, khó thở, đau ngực, tím tái, phụ huynh cần bình tĩnh, gọi hỗ trợ từ nhân viên y tế gần nhất.
Cố gắng giữ cho trẻ hạn chế cử động, hạn chế chà xát vào vùng da đã tiếp xúc với sứa. Sau đó, ngay lập tức lấy con sứa ra khỏi cơ thể của trẻ. Lưu ý đeo găng tay hoặc lót tay bằng túi nilon để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với độc tố tiết ra từ xúc tu của sứa.
Cần rửa sạch vết thương với nước biển. Không rửa bằng nước ngọt do việc thay đổi áp suất có thể kích thích xúc tu còn trên da giải phóng độc tố. Nếu có sẵn giấm (acid acetic 3 - 5%), có thể rửa vùng tổn thương với giấm trong vòng 30 giây để ức chế tế bào giải phóng độc tố trên các xúc tu sứa.
Phụ huynh cần chú ý, không bôi đắp lá, thuốc không rõ loại, hay rửa vết thương bằng nước tiểu vì có thể gây ra tình trạng nặng hơn, thương tổn lan rộng hoặc nhiễm trùng tổn thương.