Cậu bé Tong Tong sống ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Một tuần trước, Tong Tong cảm thấy đau đầu nhưng gia đình cậu bé nghĩ rằng con bị cảm lạnh. Sau 2 ngày tự cho con uống thuốc, một buổi sáng Tong Tong thức dậy và bị nôn, nửa người bên trái bị yếu, giống như người già sau khi bị đột quỵ.
Thấy con có các triệu chứng như liệt nửa người, gia đình nhanh chóng đưa cậu bé tới bệnh viện Vũ Hán. Khi kiểm tra, Tong Tong được chẩn đoán là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (thường được gọi là đột quỵ).
Theo bác sĩ Lu Yingying, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Tong Tong khi nhập viện có trạng thái mơ hồ, có thể chớp mắt, nhưng phản ứng chậm, khi khóc miệng lệch sang bên phải, cánh tay không thể nâng lên, bàn tay không thể cầm nắm.
Kiểm tra cộng hưởng từ não cho thấy thùy trán phải và hạch nền của cậu bé có dấu hiệu bị nhồi máu, hầu hết thiếu máu não phải, phù não, não trái bị chèn ép và áp lực nội sọ tăng lên có nguy cơ tạo thành bại não rất nguy hiểm.
Bác sĩ cho biết do các mạch máu của Tong Tong bị tắc nghẽn hoàn toàn và đã vượt quá thời gian vàng để cấp cứu là 6 tiếng nên việc khôi phục rất khó khăn. Tuy nhiên nhờ sự nỗ lực của bác sĩ, cậu bé cũng qua cơn nguy kịch. Sau khi qua nguy hiểm, Tong Tong cũng cần điều trị phục hồi chức năng để khôi phục sự phối hợp vận động chân tay.
Tại sao trẻ nhỏ lại bị đột quỵ?
Mặc dù đột quỵ ở trẻ em không phổ biến, nhưng cũng đã có 30 trường hợp trẻ nhỏ bị nhồi máu não được đưa vào Bệnh viện Vũ Hán và bệnh nhi nhỏ nhất bị đột quỵ mới 1 tháng tuổi.
Bác sĩ Du Hao, trưởng khoa phẫu thuật thần kinh cho biết nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em khác với người già. Các nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm trùng, chấn thương, dị tật mạch máu não bẩm sinh, bất thường chuyển hóa và có một số nguyên nhân không rõ ràng.
Theo chia sẻ của gia đình Tong Tong, vài ngày trước cậu bé đã bị ngã khi chơi đùa, đầu có va đập chút nhưng không thấy con có phản ứng đau đớn nên gia đình chủ quan không kiểm tra.
Theo kiểm tra hình ảnh, đoạn động mạch nội sọ của trẻ nhỏ và hẹp, và bác sĩ đánh giá rằng huyết khối làm tắc nghẽn động mạch là do chấn thương đầu gây ra khiến cho Tong Tong bị đột quỵ.
Bác sĩ nhắc nhở rằng các triệu chứng và tổn thương của trẻ bị đột quỵ tương tự như ở người già, một số bệnh nhân có thể được chữa khỏi, một số khác có thể chịu các mức độ di chứng khác nhau như liệt chân tay hoặc liệt mặt, khó nuốt, rối loạn nước bọt và rối loạn ngôn ngữ, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới trí thông minh và hành vi.
Do đó, khuyến cáo cha mẹ nên bắt đầu phòng ngừa và ngăn ngừa chấn thương đầu và cổ của trẻ, một khi thấy tay trẻ bị yếu, thiếu năng lượng, cáu gắt, ngôn ngữ không rõ ràng, co giật,... bạn nên đưa con đi điều trị càng sớm càng tốt.