Bay bổng với tranh lụa Mai Long

GD&TĐ - Trong số các họa sĩ cao tuổi, Mai Long là người bền bỉ, lặng lẽ. Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn vẽ. Họa sĩ nói rằng, ông vẽ thường xuyên, vì đó là công việc đã gắn bó với ông suốt bao năm qua.

Một bức tranh lụa của họa sĩ Mai Long.
Một bức tranh lụa của họa sĩ Mai Long.

Càng về già, vẽ giúp ông khỏe hơn, minh mẫn hơn. Ông nói vui mà rất thật rằng, khi nào chưa nảy nở được đề tài để vẽ thì buồn lắm, có khi lại sinh đau ốm. Với ông, khỏe là do được làm việc cụ thể hàng ngày trên tranh.

Cây đa, cây đề của làng phim hoạt họa

Thật sự mà nói, ít người giữ được phong độ như họa sĩ Mai Long. Ông, có lẽ vậy, là một trong những tấm gương lao động nghệ thuật của hội họa Việt Nam. Sinh năm 1930 tại Hải Phòng, quê gốc ở Nam Hà - Nam Định, năm nay họa sĩ Mai Long bước qua tuổi 91. Ông là một trong số 21 học viên của khóa Mỹ thuật Kháng chiến (1950 - 1953) do họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp đào tạo, cùng với lớp họa sĩ như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Trần Lưu Hậu...

Khi hòa bình lập lại, Mai Long tiếp tục theo học tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1963, khi đang trên giảng đường đại học, ông đã được đạo diễn Trương Qua mời tham gia thiết kế đồ họa cho bộ phim hoạt họa “Đêm trăng rằm”.

Mai Long cũng là họa sĩ chính thực hiện bộ phim hoạt hình màu đầu tiên của Việt Nam “Bài ca trên vách núi”. Trong suốt thời gian công tác tại Xưởng phim Hoạt họa và búp bê Việt Nam, Mai Long dần khẳng định và trở thành một trong không nhiều họa sĩ hàng đầu của phim hoạt họa. Cùng với NSND Lê Minh Hiền, NSND Trương Qua, NSƯT Hồ Quảng, họa sĩ Mai Long được coi là thế hệ tiên phong cho thể loại phim hoạt hình của điện ảnh Việt Nam.

Ở lĩnh vực hội họa, Mai Long đã thử sức qua nhiều chất liệu, thể loại hội họa, từ phấn màu, sơn dầu, sơn mài, sơn khắc rồi cuối cùng ông thấy mình ở tranh lụa. Tranh lụa vốn kén người, không phải ai cũng “chinh phục” được lụa, và cũng không phải ai cũng kiên trì gắn bó được với lụa.

Trong hội họa Việt Nam, nhiều người đã từng thử sức với tranh lụa, và có những người đã “buông bỏ”. Nhưng Mai Long đã để lại dấu ấn đậm nét của mình ở tranh lụa, để bây giờ, nhắc đến ông, người ta nhớ tới một phong cách, và tranh lụa, cũng tạo nên một con đường có dấu ấn sâu đậm của họa sĩ Mai Long.

Nhớ lại thời kỳ tham gia khóa học Mỹ thuật Kháng chiến, họa sĩ Mai Long kể, do hoàn cảnh chiến tranh, không có trường sở cố định mà phải di chuyển nhiều nơi trên địa bàn hai tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang nên thời điểm đó, người học không có nhiều họa phẩm, thường vẽ các tranh kích thước nhỏ, với hai chất liệu chủ yếu là chì than và bột màu.

Cho tới năm 1955, khi chuyển từ Sở Văn hóa Tây Bắc về Hà Nội ông mới có điều kiện làm quen rồi vẽ tranh lụa. Vào thời điểm ấy, họa sĩ Mai Long sống ở ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Đây là nơi ở của nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ Nguyễn Phan Chánh - một bậc thầy chuyên vẽ tranh lụa.

Họa sĩ Mai Long trong phòng tranh.

Họa sĩ Mai Long trong phòng tranh.

Tìm thấy mình trong tranh lụa

Theo họa sĩ Mai Long, ông tìm thấy mình trong tranh lụa, bởi tranh lụa có nhiều đặc tính phù hợp với tâm hồn trong việc diễn tả sự lãng mạn, sự bay bổng cũng như trí tưởng tượng của mình. “Tính cách, tâm thế của tôi rất hợp với tranh lụa. Bản chất nghệ thuật của tôi là sự tưởng tượng lãng mạn trong tranh. Lụa tạo ra sự lan tỏa, màu sắc huyền ảo, làm cho những chủ đề tôi khai thác đi được đúng hướng và có hiệu quả cao”, ông tâm sự.

Quả thật, khi đến thăm ông ở làng Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), hay xem những triển lãm có trưng bày tranh lụa Mai Long, thấy rõ chất thơ, sự mềm mại của người làm nghề điêu luyện trong từng tác phẩm.

Trong tranh lụa của Mai Long, một Việt Nam trong lành, thuần khiết hiện lên bình yên, có sức cuốn hút mê hoặc. Đó có thể là một vùng non cao Tây Bắc, hay cây đa bến nước làng quê xứ Bắc… Đứng trước tranh lụa của Mai Long, dường như mỗi người sẽ tìm được một cảm giác về sự bình yên, thư thái, tự tại tận sâu trong tâm hồn mình.

Tất nhiên, Mai Long không phải là người vẽ lại cái hiện thực mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy. Tranh ông là sự hội tụ của hiện thực và trí tưởng tưởng bay bổng. Hay nói cách khác, nó thể hiện góc nhìn của riêng ông - một tâm hồn nghệ sĩ.

Có ý kiến cho rằng, từ cuối thế kỷ XX cho đến nay, những tên tuổi có tiếng đứng vững trong làng tranh lụa không nhiều. Có lẽ bởi ở cái thời hội họa bừng nở, người ta muốn nhanh, muốn nhiều. Riêng Mai Long, ông vẫn bền bỉ với tình yêu tranh lụa và tạo chỗ đứng riêng cho mình. Dù biết rằng, để vẽ một bức tranh lụa cho đúng ý mình, là rất tốn thời gian và cũng rất kỳ công. Kỳ công ở cả việc dành thời gian hoàn thành từng bức tranh và ở việc tích lũy hàng ngày từ trước mới nhuần nhuyễn kỹ thuật để không lúng túng hoặc trông vào may rủi khi thực hiện.

Trong các chất liệu của hội họa, tranh lụa luôn là một chất liệu khó làm. Có lẽ bởi thế, hiện ít họa sĩ trẻ dấn thân vào tranh lụa. Nó đòi hỏi kỹ năng diễn tả từ hình họa cho đến làm màu trong tranh.

heo họa sĩ Mai Long, tranh lụa đòi hỏi một không gian lan tỏa, phải vẽ công phu, phải rửa. Định vẽ một màu, phải vẽ đến hàng chục lần mới ra được không gian huyền ảo đó. Chỉ vẽ một lần như sơn dầu thì không thể ra được chất của tranh lụa. Vẽ xong lại rửa, có những độ mình phải vẽ hàng chục lần mới ra đúng ý mong muốn.

Họa sĩ cũng cho rằng, cái khó của lụa mà nhiều người ngại khi vẽ là nó định hình, không tẩy xóa được, cho nên chỉ một sơ suất nhỏ có khi phải bỏ cả tấm lụa đi. “Người vẽ lụa phải công phu, ngoài kinh nghiệm ra thì cần phải có tình yêu bền bỉ. Và anh phải thực hành nhiều để biến sự cầu may, sự ngẫu nhiên thành quy luật khi muốn tạo hiệu ứng thẩm mỹ màu sắc”, họa sĩ tâm niệm.

Với họa sĩ Mai Long, vẽ tranh lụa khác với vẽ trên lụa. Thường thì người ta có thói quen vẽ ngay trên lụa khô, khi lụa còn hồ. Thậm chí người ta còn quét lên tấm lụa một lớp nước cơm loãng để khi vẽ không bị nhòe. Ông lại làm ngược lại, là luôn ngâm lụa trước, vắt kỹ cho hết hồ, sau đó lại nhúng nước rồi mới bắt đầu vẽ.

Họa sĩ giải thích, làm như vậy có nhiều tác dụng: Thứ nhất là để khi vẽ màu lụa được trong (màu ngấm ngay vào thớ lụa chứ không phải ngấm vào lần hồ rồi đóng cặn). Thứ hai là để tránh hồ làm xuống màu, ẩm mốc bức tranh. Và ngâm lụa trước khi vẽ còn có tác dụng tạo hiệu ứng màu sắc dễ dàng, có thể tùy ý vẽ khi lụa ướt, lụa ẩm, lụa khô theo ý muốn.

Họa sĩ Mai Long cho rằng, một cái hay nữa của lụa là có độ thấm, độ sâu. Khi vẽ từng lớp, để khô, rửa đi vẽ lớp màu khác lên, rồi tiếp tục hàng chục lần như vậy thì nó ruộm lên từng lớp từng lớp, khác hẳn với màu pha ở bên ngoài rồi vẽ trực tiếp lên nhìn rất nông cạn. Hoặc ngay cả khâu bồi cuối cùng, nếu không làm kỹ tranh lụa cũng dễ bị mốc. Hồ quấy ra người ta phải để hàng tháng cho vữa ra, có độ kết dính nhưng phải tinh khiết không còn tinh bột mới dùng bồi được...

Với họa sĩ Mai Long, vẽ luôn là niềm đam mê bất tận. Tranh lụa của ông triển lãm ở nhiều nước trên thế giới và được công chúng đón nhận chân thành. Quả thực, khi xem tranh Mai Long, đằng sau những bảng lảng, mơ màng đầy chất thơ dường như đều thấy bật lên chân dung con người Việt Nam bình dị, thân thiện và gần gũi. Ở chất liệu mang tính dân tộc này, Mai Long đã tìm được đường đi cho mình và đã tạo ra một chỗ đứng nghề nghiệp riêng, không bị khuất lấp. 

Họa sĩ Phan Thiết từng nhận định: “Những ai đã dấn thân vào hội họa đều hiểu, đều mơ ước một điều lớn lao nhưng gian khó bậc nhất trong suốt một đời làm nghệ thuật, đó là dấu ấn cá nhân, là phong cách hội họa riêng biệt không thể lẫn với bất kì ai giữa biển cả hội họa mênh mông, nên điều cốt lõi này luôn rất hiếm hoi…
Họa sĩ Mai Long, với tình yêu, với sức lao động cần mẫn, bền bỉ, cùng những tìm tòi sáng tạo không ngừng nghỉ đã làm nên một hội họa Mai Long hết sức riêng và độc đáo… Một dòng chảy hội họa trong trẻo và uốn khúc bổng trầm gắn bó nghệ thuật của ông, con người ông với thăng trầm đất nước và dân tộc…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.