Bầu trời Nga, Ukraine tiếp tục rực lửa trong những ngày tới

GD&TĐ -Bầu trời Nga, Ukraine được nhận định tiếp tục rực lửa khi các cuộc tấn công đáp trả nhau bằng tên lửa được cho là sẽ diễn ra trong những ngày tới.

Nga sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công tên lửa ATACMS

Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/11 thông báo, quân đội nước này đang chuẩn bị đáp trả các cuộc tấn công tên lửa ATACMS của Ukraine vào Khu vực Kursk.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép lực lượng Kiev sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp chống lại các mục tiêu sâu bên trong biên giới được quốc tế công nhận của Nga.

Trong một thông báo chính thức trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng, trong ba ngày qua, lực lượng Ukraine đã tiến hành hai cuộc tấn công tầm xa vào Khu vực Kursk bằng vũ khí phương Tây.

Vào ngày 23/11, Kiev được cho là đã bắn 5 tên lửa ATACMS tầm xa vào làng Lotaryovka, cách thành phố Kursk khoảng 37km về phía tây bắc, nhắm vào vị trí của một sư đoàn tên lửa phòng không S-400.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công đã khiến ba người thương vong và làm hỏng radar.

Ngoài ra, vào ngày 25/11, Kiev đã phóng thêm 8 tên lửa ATACMS vào sân bay Kursk-Vostochny, nằm gần làng Khalino. 7 trong số các tên lửa đã bị bắn hạ bằng hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và hệ thống pháo tên lửa phòng không Pantsir. Tuy nhiên, một trong những tên lửa đã bay đến được mục tiêu. Kết quả là, hai quân nhân bị thương trong khi các cơ sở bị hư hại nhẹ, theo báo cáo.

Bộ này lưu ý rằng, các cuộc thanh tra các khu vực mục tiêu đã "xác nhận một cách đáng tin cậy" rằng, lực lượng Kiev đã sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công. Bộ này cũng công bố một số bức ảnh về những gì được cho là tàn tích của các tên lửa do Mỹ sản xuất.

“Bộ Quốc phòng Nga đang theo dõi tình hình và chuẩn bị các hành động ứng phó”, báo cáo kết luận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik hoàn toàn mới của nước này như một phản ứng trước việc chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép Kiev sử dụng ATACMS.

Vũ khí mới của Nga, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đã được sử dụng chống lại một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine tại thành phố Dnepropetrovsk.

Ông Putin gọi cuộc tấn công là "cuộc thử nghiệm chiến đấu" đối với vũ khí tối tân, và cảnh báo rằng, những "cuộc thử nghiệm" như vậy sẽ tiếp tục, tùy thuộc vào hoàn cảnh, và rằng, Nga sẽ phản ứng "một cách quyết đoán và tương tự" đối với sự leo thang hơn nữa các hành động hung hăng của Kiev và những người hậu thuẫn nước ngoài.

Mỹ nhận ra nguy cơ Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân

Tổng thống Mỹ Joe Biden hiểu rằng, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy bị đe dọa, nhưng điều này không ngăn cản Washington tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine và cho phép Kiev tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga, tờ Washington Post trích dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết.

Theo ấn phẩm này, chính quyền ông Biden đưa ra quyết định dựa trên "những thay đổi trên chiến trường". Do đó, việc cung cấp tên lửa ATACMS được coi là một cách để ngăn chặn việc Triều Tiên tiếp tục gửi binh lính tới chiến trận giúp Nga, và việc chuyển giao mìn chống bộ binh sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine ở phía đông đất nước.
Tuy nhiên, các trợ lý của ông Biden cho biết, quyết định của ông được thúc đẩy bởi tính toán chính trị nhiều hơn là vì lo ngại xung đột sẽ leo thang.

"Việc ông Donald Trump trở lại nắm quyền đặt ra câu hỏi về khả năng các nước châu Âu tiếp tục hỗ trợ Ukraine mà không có Mỹ. Điều này gây áp lực buộc ông Biden phải hành động nhanh hơn", nguồn tin nhấn mạnh, và lưu ý, hỗ trợ quân sự cho Ukraine vẫn là yếu tố then chốt trong chiến lược của chính quyền Mỹ hiện tại.

Lãnh đạo Nhà Trắng đang tìm cách cung cấp cho Kiev càng nhiều nguồn lực càng tốt trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc, vì lo ngại rằng, chính quyền mới có thể đảo ngược hướng đi.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các cơ sở sản xuất hương Báo Ân phơi thành phẩm trước khi đóng bao bì.

Làng hương Hà Tĩnh vào vụ Tết

GD&TĐ - Cùng với nhiều ngành nghề khác, làng hương Báo Ân (Hà Tĩnh) đang chạy đua sản xuất để phục vụ cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025