Kết quả một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu công luận Nga (VTsIOM) thực hiện từ 12-18/2 cho thấy, có tới 69,5% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Putin.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng sản Pavel Grudinin đứng thứ hai với 7,5%, ứng viên đảng Dân chủ Tự do (LDPR) Vladimir Zhirinovsky xếp thứ ba với 5,3% và ứng viên Grigory Yavlinsky của đảng Quả Táo đứng thứ tư với 1,4%. Các ứng viên còn lại nhận được chưa đến 1% ủng hộ của cử tri.
Số liệu của cả Quỹ Ý kiến xã hội (FOM) cũng như Cơ quan Thăm dò dư luận (VSIOM) đều cho thấy, Tổng thống đương nhiệm Putin luôn dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ với cách biệt lớn.
Giới quan sát tại chỗ nhận định chưa hề có yếu tố nào cản trở ông Putin tái đắc cử và cuộc đua sẽ chỉ liên quan tới các vị trí thứ 2 và thứ 3.
Ngày 26/2, các ứng cử viên sẽ bước vào vòng tranh luận trực tiếp, vòng 1, diễn ra trên Đài phát thanh nước Nga.
111 nghị sĩ châu Âu giám sát bầu cử
Theo Phó Chủ tịch Đuma quốc gia Nga (Hạ viện), trưởng phái đoàn Nga tại Hội đồng Nghị viện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (PA OSCE) Petr Tolstoy, PA OSCE đã nhận lời mời của Nga và sẽ cử phái đoàn quan sát viên gồm 111 nghị sĩ châu Âu tới giám sát cuộc bầu cử tổng thống Nga.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao và nhân viên của các tổ chức khác nhau của Mỹ tại Nga sẽ không được phép giám sát cuộc bầu cử này.
"Các nhà ngoại giao Mỹ, nhân viên văn phòng của các tổ chức Mỹ ở Nga sẽ không được phép tham gia vào quá trình giám sát bầu cử tổng thống Nga, sau khi cân nhắc thực tế là trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, nhân viên các tổ chức Nga ở Mỹ bị từ chối cơ hội tương tự" - Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết hôm 22/2.
Tuy nhiên, ông Ryabkov cho biết lệnh cấm trên sẽ không áp dụng với các công dân Mỹ làm việc cho OSCE.
Hồi tháng 12/2017, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết Nga đã thông tin chính thức cho Bộ Ngoại giao Mỹ rằng sau khi xem xét động thái từ chối chấp nhận các giám sát viên từ các cơ quan ngoại giao của Nga tại Mỹ, Nga đã quyết định có các biện pháp đáp trả tương tự.