Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc “sát hạch” với Tổng thống Mỹ

Hôm nay, 4/11, ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 theo Hiến pháp Mỹ, là ngày bầu cử của Mỹ.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Cuộc “sát hạch” với Tổng thống Mỹ
Tổng thống Mỹ Barack Obama tham gia cuộc bầu cử sớm tại Illinois hôm 20/10. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama tham gia cuộc bầu cử sớm tại Illinois hôm 20/10. Ảnh: Reuters

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này, sẽ bầu lại 435 ghế của Hà viện, bầu 1/3 (33 ghế) tại Thượng viện. Song song với việc bầu cử ở cấp liên bang, ở cấp tiểu bang cũng sẽ có bầu cử 36 Thống đốc bang và 3 vùng lãnh thổ.

Cứ hai năm một lần, Mỹ tổ chức một “cuộc bầu cử toàn quốc”. Khi cuộc bầu cử diễn ra ở giữa nhiệm kỳ của một vị Tổng thống thì được gọi là “bầu cử giữa kỳ”. Cuộc bầu cử trùng với cuộc bầu cử Tổng thống, thì gọi là “bầu cử thưòng kỳ 4 năm”.

Cuộc chạy đua trong cuộc bầu cử diễn ra chủ yếu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, hai lực lượng thay nhau nắm quyền. Hoạt động vận động bầu cử được đẩy mạnh trong những ngày qua với việc hai đảng thúc giục những người ủng hộ đi bỏ phiếu. Khảo sát của tờ US Today cho thấy, ưu thế tiếp tục nghiêng về đảng Cộng hòa.

Theo các kết quả thăm dò dư luận, đảng Cộng hòa nhiều khả năng giữ được quyền kiểm soát Hạ viện, nơi họ đang có 233 ghế so với 199 ghế của đảng Dân chủ. 

Tại Thượng viện, đảng nào chiếm được 51 ghế sẽ nắm quyền chi phối. Hiện đảng Dân chủ nắm giữ 53 ghế, đảng Cộng hòa 45 ghế cộng với 2 ghế độc lập.

Khảo sát của Gallup cho rằng trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, đảng Cộng hòa có tới 68% cơ hội “giành” được Thượng viện. Dự báo khả năng đảng Cộng hòa sẽ nắm 52 ghế trong cuộc bầu cử.

Ngoài các ghế tại lưỡng viện Quốc hội còn có 36/50 ghế Thống đốc bang phải bầu lại. Đảng Cộng hòa hiện nắm 29 ghế Thống đốc bang so với 21 ghế của đảng Dân chủ. 

Đảng nào giành được nhiều ghế Thống đốc bang trong cuộc bầu cử hôm nay sẽ nắm quyền “điều binh khiển tướng” trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016 bầu chọn tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Giới phân tích dự đoán, đảng Cộng hòa có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này do cử tri phần nào thất vọng với các quyết sách của chính quyền khi nền kinh tế lớn số một thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nặng nề vừa qua, bất chấp những nỗ lực của Nhà trắng. Hai mối quan ngại lớn nhất của cử tri là tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ lớn, số người thất nghiệp vẫn cao.

Nhận định về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này, các nghị sĩ của cả hai đảng đều dự đoán, hiện trạng kinh tế Mỹ sẽ là vấn đề hàng đầu chi phối sự kiện chính trị này. 

Cuộc chạy đua giữa hai đảng sẽ được quyết định dựa trên những nhận định của cử tri về hiện trạng nền kinh tế, nợ nần, chi tiêu cũng như cách thức giải quyết vấn đề này của mỗi đảng. 

Thực tế, chính sách kích thích tài chính đã không mang lại kết quả như mong muốn, tỷ lệ thất nghiệp không giảm. Thực trạng nợ nần cũng rất đáng lo ngại, các món nợ khổng lồ và những cam kết tài chính cao có thể dẫn đến việc thâm hụt ngân sách quốc gia chiếm tới 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Còn tác giả David Catenist trong bài viết “Nỗi lo bầu cử giữa kỳ 2014” trên US.News lại nhận định: Những nỗi lo về thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tạm thời được gác, nhưng thay vào đó, dịch Ebola và chiến dịch không kích chống nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria nổi lên là 2 vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm. 

Thăm dò online của US.News hôm 31/10, cho thấy 51,2% trong số 600 người tham gia, bày tỏ lo ngại khủng bố có khả năng đến Mỹ, còn 41% hoài nghi về cách đối phó của chính phủ với Ebola.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ cũng là một cách để trưng cầu dân ý về mức độ tín nhiệm đối với đương kim tổng thống. Một thăm dò dư luận của Washington Post và ABC News cho thấy mức tín nhiệm Tổng thống Obama là 43% và mức bất tín nhiệm của ông là 51%. 

Cũng trong cuộc thăm dò dư luận kể trên, trong số những người cho biết ông Obama sẽ là nhân tố trong quyết định bầu cử của họ, tỷ lệ cử tri cho biết họ sẽ sử dụng lá phiếu của mình để bày tỏ sự bất tín nhiệm với tổng thống cao hơn 10 điểm so với số người ủng hộ ông.

Dựa theo kết quả cuộc bầu cử, những ứng viên "nuôi mộng" trở thành người lãnh đạo quốc gia sẽ duyệt xét lại lập trường, quan điểm chính trị của mình, điều chỉnh đường lối hoạt động, kế hoạch tranh cử để phù hợp với nguyện vọng của người dân. 

Đó chính là điều Đảng Cộng hòa đã làm ngay sau khi thất bại ở cuộc đua 2012 bằng cách đưa ra hẳn một sách lược hoạt động cho 2014, dọn đường cho cuộc đua quan trọng hơn vào năm 2016.

Bên cạnh những điều nói trên, kết quả cuộc bầu cử thống đốc năm nay ở một số tiểu bang cũng quyết định danh sách những ứng cử viên có thể ra tranh cử Tổng thống.

Cuộc bầu cử này không mang tính quyết định đối với cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016, nhưng là cuộc đua “sống còn” với chính sách của các đảng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra sau hai năm nữa. Và cử tri bầu chọn Quốc hội, nhưng thực chất lại là đánh giá dành cho tổng thống đương nhiệm.

Theo baodientu.chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ