Vụ bắt vạ 400 triệu đồng sau tai nạn chết người ở Lào Cai, dù cơ quan chức năng kết luận lỗi hoàn toàn thuộc về thiếu niên đi xe máy và 2 tài xế ô tô không phải chịu trách nhiệm về cái chết của nạn nhân, nhưng anh Nguyễn Trọng Nghĩa (người đã đền bù 100 triệu đồng cho gia đình nạn nhân) cho rằng ""đòi lại tiền đã đưa cho gia đình nạn nhân khó lắm".
Sau tai nạn, rất đông người nhà nạn nhân và bà con trong bản kéo đến bắt vạ tài xế ô tô.
Chia sẻ với VTC News về sự việc trên, PGS.TS Trịnh Hoà Bình - chuyên gia xã hội học cho rằng, việc gia đình nạn nhân và những người dân tộc thiểu số kéo đến bắt vạ sau khi xảy ra tai nạn là do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật.
"Giống như người Mông, người Dao, khi họ thấy lợi ích của mình hay người thân bị đe dọa, thì họ hay đưa ra các tình huống cho đối tác phải đền. Điều này cho thấy sự mông muội, thiếu hiểu biết về pháp luật", PGS.TS Trịnh Hoà Bình nói.
Theo PGS.TS Trịnh Hoà Bình, đối với những tình huống trên, cơ quan chức năng phải cho họ nhìn thấy cái lý của mình thì họ mới chấp nhận lỗi.
Trong vụ tai nạn ở Sapa (Lào Cai), cơ quan chức năng đã không giải thích được cho người dân hiểu rõ sự việc, trách nhiệm này thuộc về bản lĩnh nghiệp vụ của đơn vị thực thi nhiệm vụ. Và theo lý lẽ công bằng, cơ quan điều tra phải lấy lại được tiền cho tài xế bị bắt vạ.
"Nếu không lấy lại được tiền cho tài xế thì mãi mãi dung dưỡng cho sự mông muội thiếu hiểu biết pháp luật", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh và cho rằng nếu cơ quan chức năng lấy lại được sự công bằng cho tài xế ô tô thì cũng song song tuyên truyền pháp luật cho quần chúng nhân dân còn lạc hậu ở nơi đó.
Đồng quan điểm với PGS.TS Trịnh Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho hay đối với vụ việc trên, cơ quan chức năng phải đòi bằng được tiền cho tài xế bị bắt vạ.
"Pháp luật đã quy định ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm, giờ cứ bắt đền tài xế đi đúng là vô lý. Vì vậy, phải đòi bằng được tiền để tăng tính nghiêm minh của luật pháp", ông Thanh bày tỏ quan điểm.
Ông Thanh thẳng thắn cho rằng trong vụ tai nạn trên, cách giải quyết sự việc của công an không ổn, khi để người dân kéo đến gây áp lực, từ đó pháp luật bị bẻ cong.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết 2 tài xế không có lỗi trong vụ tai nạn nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường, và nếu họ đồng ý hỗ trợ cho gia đình nạn nhân là việc tự nguyện.
Trường hợp 2 tài xế bị dân làng đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần để yêu cầu phải trả tiền, thì những người dân trong vụ việc trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” ( Điều 170 Bộ luật Hình sự).
“Hai tài xế muốn đòi lại số tiền 200 triệu đồng đã đưa cho dân làng, thì trước tiên các bên nên thương lượng với nhau. Nếu thương lượng không thành, 2 tài xế này có thể tố cáo đến cơ quan công an hoặc khởi kiện dân sự yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu do bị đe dọa, cưỡng ép (Điều 127 Bộ luật Dân sự) tùy theo diễn biến của sự việc", luật sư Tiền cho hay.
Luật sư cho rằng qua sự việc trên, chính quyền địa phương cần sớm tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và văn hoá giao thông của người dân.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, phát hiện để ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của thanh, thiếu niên, không để xảy ra tình trạng lái xe khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe theo quy định.
"Để tránh những sự việc tương tự như ở Sapa (Lào Cai), khi có tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần khẩn trương phối hợp để giải thích pháp luật cho người dân, đảm bảo có lý có tình, trên tinh thần thượng tôn pháp luật”, luật sư Tiền nhận định.
Vào 12h06 ngày 1/3, Hạng A Câu (15 tuổi, trú tại xã Sa Pả, Sapa, Lào Cai) lái xe máy BKS 24B2 - 15050 chạy trên quốc lộ 4D hướng Lào Cai - Sapa. Khi đi đến Km 108+600 (đoạn qua xã Sa Pả, Sapa), xe máy tông vào xe ô tô con do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (30 tuổi, trú tại TP Lào Cai) cầm lái đang đi chiều ngược lại.
Cú va chạm khiến thiếu niên trên ngã ra đường và bị xe khách Sao Việt đi cùng chiều tông chết.
Nhận được tin, người nhà nạn nhân và cả người dân trong làng đã kéo xuống hiện trường. Tại đây, họ yêu cầu 2 tài xế phải nộp 400 triệu đồng thì mới đưa thi thể nạn nhân đi.
Khi cơ quan chức năng đến khám nghiệm hiện trường, nhiều người quá khích vẫn không rời đi mà nhất quyết đòi tài xế phải bồi thường ngay.
Sau khi 2 tài xế thỏa thuận đền bù với gia đình tổng cộng 200 triệu đồng thì sự việc mới được giải quyết. Đến khoảng 18h30 cùng ngày, đoạn đường qua đây đã được thông xe trở lại.