Bắt nhịp kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Bí kíp luyện thi hiệu quả

Học sinh trường THCS-THPT Đào Duy Anh ôn luyện kiến thức
Học sinh trường THCS-THPT Đào Duy Anh ôn luyện kiến thức

 Lập kế hoạch ôn tập

Thầy Đặng Ngọc Ngận, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Phạm Phú Thứ (Quận 6 - TPHCM) cho biết: HS phải sắp xếp thời gian ôn tập thật khoa học. Tránh tình trạng không tập trung ôn tập hoặc quá ôm đồm, ôn thi quá nhiều mà quên việc bảo đảm sức khỏe cho bản thân. Nói như vậy để thấy rằng, các em vẫn còn thời gian chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Nếu ai đó chưa thực sự kỹ lưỡng từ những ngày đầu năm, nhưng để đạt kết quả tốt cần phải gấp rút hơn để bù đắp kiến thức còn thiếu hụt trước khi bước vào kỳ thi.

Ngoài việc lập kế hoạch ôn tập, theo thầy Đặng Ngọc Ngận, các em cần có thái độ tích cực, tâm thế học tập tốt nhất. Sau các buổi học, hãy dành thời gian tự học nhiều hơn, cũng như tham khảo thêm những bài tập nâng cao khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản. Đồng thời, thầy Ngận nhấn mạnh rằng học trò khối 12 hãy lập cho bản thân thời khóa biểu ôn thi. Ôn tập ở đây là nắm lại kiến thức đã học và khắc sâu, củng cố kiến thức lại một lần nữa thật chắc chắn. Cần tìm cho mình phương pháp ôn tập phù hợp nhất và phải nhớ tập trung để hiểu vấn đề chứ không phải là học thuộc lòng kiến thức. Khi các em thật sự hiểu bài, sẽ có những kỹ năng để vận dụng giải quyết vấn đề tương tự.

Liên quan đến kỹ năng ôn tập sao cho hiệu quả, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh) cho biết: Các em nên nắm vững kiến thức, học dần, đừng để dồn đến thi mới học. Phải sắp xếp thời gian cho từng môn, tránh học tủ, học phải hiểu và nắm vấn đề… Học bài nào nắm chắc nội dung bài đó, nhớ ghi chép cẩn thận nội dung giáo viên nhấn mạnh trong bài. Ở những tiết học trực tuyến, các em vẫn có thể đặt câu hỏi với giáo viên về các vấn đề mình còn mơ hồ để được giải đáp, hoặc ghi chú lại và trao đổi với giáo viên bằng nhiều hình thức sau tiết học. Khi học bài nào, HS nên cập nhật kiến thức thực tế vào bài học ấy và kết hợp kiến thức của các môn tổ hợp chọn để đăng ký thi.

Riêng đối với môn Giáo dục công dân, cô Hồng Châu cho rằng: Kiến thức của môn học không khó, tất cả là những vấn đề rất gần gũi và thiết thực trong cuộc sống hàng ngày và mọi người đều cần phải rèn luyện trong mọi lĩnh vực, hoàn cảnh. Liên hệ bản thân trong mỗi bài học, từ đó từng bước tự hoàn thiện mình trở thành công dân gương mẫu và vận dụng điều đó đưa vào bài làm giúp bài thi đạt kết quả tốt nhất.

Giữ sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái

Theo thầy Đặng Ngọc Ngận, trong quá trình ôn thi, HS cũng cần quan tâm đến thực phẩm giúp cho não hoạt động tốt hơn, tăng cường trí nhớ và nên dành thời gian thư giãn. Các em có thể lựa chọn cho mình thể loại nhạc phù hợp, có được quá trình cảm thụ, hiểu, đánh giá yêu thích và thưởng thức nghệ thuật, từ đó nảy sinh nhu cầu hoạt động sáng tạo và tạo ra được những giá trị thẩm mĩ, rất có lợi cho việc tạo ra năng lượng để học tập các môn học. Đặc biệt, HS không thức quá khuya để học bài, cần ngủ đủ giấc và tập thể thao tạo sự thoải mái, giữ sức khỏe cho bản thân.

Liên quan đến việc ôn tập, thầy Trần Minh, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (Quận 6) khuyến cáo: Các em nên xây dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11 nhằm trợ giúp để nắm vững kiến thức cơ bản lớp 12. Mục đích của việc ôn tập là để hệ thống, củng cố, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng nên cần học theo chủ đề. Có thể lập bảng tổng kết ngắn gọn hoặc vẽ sơ đồ tư duy để dễ ôn tập, nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết của mỗi chủ đề. Cần chú ý đến các dạng bài, đề tham khảo mà thầy cô hướng dẫn.

Cụ thể với môn Địa lý, thầy Minh cho rằng: Nắm chắc kiến thức cơ bản, ôn tập theo chủ đề, chủ điểm nhưng cần rèn thêm kỹ năng sử dụng Atlat để ôn tập. Đồng thời chú ý rèn luyện kỹ năng nhận xét, phân tích bảng số liệu và biểu đồ. Và điểm quan trọng là khi có đề minh họa, thầy cô thường đưa ra định hướng ôn tập phù hợp theo chủ đề, làm các dạng đề, các em phải tham khảo kỹ. Tuy nhiên, phải nhớ rằng, đề mang tính chất tham khảo và định hướng chủ đề ôn tập, nên cần có sự linh hoạt, tránh tình trạng học tủ.

Đề thi trắc nghiệm có khả năng bao quát chương trình, kiến thức kiểm tra rộng hơn so với thi tự luận, vì thế học tủ là điều cấm kỵ. Ở mỗi vấn đề quan trọng chỉ cần nắm “từ khóa” nói lên nội dung của vấn đề đó chứ không nên học thuộc lòng. Ngoài những nội dung mà Bộ GD&ĐT đã giảm tải, HS không được bỏ bất kỳ phần nào trong sách giáo khoa lớp 12, từ kênh chữ đến kênh hình, kể cả bài đọc thêm, bài thực hành. 

Theo Thảo Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ