Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6: Các Tổng chủ biên nêu điểm mới trong SGK

GD&TĐ - Ba bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để địa phương lựa chọn sử dụng từ năm học 2021 - 2022.

GS.TS Vũ Văn Hùng.
GS.TS Vũ Văn Hùng.

Dù cách tiếp cận riêng, nhưng các bộ sách đều cụ thể hóa yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông, giúp giáo viên, học sinh tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình.

GS.TS Vũ Văn Hùng (Tổng Chủ biên sách Khoa học tự nhiên 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống): Tích hợp nội dung, tránh chồng chéo

Tư tưởng chủ đạo của SGK Khoa học tự nhiên 6 thể hiện qua thông điệp, cũng là tên bộ sách: “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Điểm nhấn nổi bật của sách là kiến thức các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp trong chương trình theo một mô hình có ý nghĩa, nhằm phát triển năng lực chung của cả 3 lĩnh vực.

Nội dung kiến thức được lựa chọn theo hướng tinh giản, hấp dẫn hơn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và trải nghiệm của HS; tăng cường kết nối giữa các lớp, cấp học trong một môn học và hoạt động giáo dục.

Chẳng hạn, nội dung protit, gluxit, lipit được dạy trong kiến thức Hóa học sẽ không dạy lại trong Sinh học nữa.

Khái niệm vật chất đã dạy trong nội dung Hóa học sẽ không cần dạy trong phần Vật lý. Chủ đề năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn, nay tích hợp lại…

SGK cũng tích hợp các kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học theo yêu cầu chương trình, thông qua 4 chủ đề lớn (Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời); đồng thời chú trọng đến giáo dục STEM.

SGK hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả.

Mỗi bài học được thiết kế gồm hệ thống các hoạt động học, từ đó kích thích tính tích cực và chủ động của người học; đồng thời giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực, hướng tới cho người học phải tạo ra được sản phẩm học tập.

Cuối mỗi bài học, HS luôn được yêu cầu chốt lại những kiến thức căn bản nhất và vận dụng, thực hành kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái (Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Toán, Tổng Chủ biên SGK môn Toán bộ Cánh Diều): Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống

GS.TSKH Đỗ Đức Thái.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái.

12/16 chủ biên các môn học trong Chương trình GDPT 2018 là tổng chủ biên, chủ biên các cuốn SGK bộ Cánh Diều.

Là những người trực tiếp soạn thảo chương trình quốc gia nên chúng tôi hiểu rõ chương trình từ lớp 1 - 12.

Việc hiểu rõ mạch 12 năm hết sức quan trọng, cho phép chúng tôi hiểu nắm được trình hình thành kiến thức; hiểu chương trình từng môn học có mục tiêu giáo dục là gì, yêu cầu cần đạt ra sao…

Bộ SGK Cánh Diều môn Toán có tập thể tác giả gọn gàng: Lớp 2 có 5 tác giả, lớp 6 có 7 tác giả; giúp cuốn sách trở nên nhuần nhuyễn, thống nhất về tư tưởng, lựa chọn chất liệu, cách trình bày; đặc biệt là thống nhất tư duy toán học, lối giải quyết những vấn đề toán học nảy sinh.

Chương trình môn Toán 2018 yêu cầu các thầy cô phải dạy học phát triển năng lực toán học cho học sinh.

Dạy học phát triển năng lực đòi hỏi mỗi tiết học phải có thời gian thích đáng cho HS tự học, tự kiến tạo kiến thức dưới hướng dẫn của thầy cô.

Muốn vậy, nội dung dạy học phải tinh giản, thiết thực.

Thấu triệt quan điểm đó, SGK Toán 2, Toán 6 bộ sách Cánh Diều lựa chọn nội dung cẩn thận cả về phương diện sư phạm và phương diện toán học dựa trên những học vấn cốt lõi. Đơn cử, SGK Toán 6 giảm khoảng 50% lượng bài tập so với SGK hiện hành.

Tinh giản, giảm tải nội dung, nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt mà chương trình quy định là điểm mạnh then chốt, điểm thành công nổi bật của SGK Toán 2, Toán 6 bộ sách Cánh Diều.

Bên cạnh đó là nội dung thiết thực. Dư luận vẫn băn khoăn HS phải học những kiến thức toán khó mà không biết sử dụng vào đâu trong cuộc sống.

Giải quyết vấn đề cấp bách đó, SGK Toán 2, Toán 6 Cánh Diều đã tạo dựng cho HS niềm tin vào giá trị học vấn toán học đem lại.

Chỉ có tin thì mới yêu, mới thích và rồi mới học tốt được! Trong SGK Toán 2, Toán 6 Cánh Diều, sắp tới là SGK Toán các lớp 3, 7, 10, thầy cô sẽ thấy từng bài học, hoạt động học tập thấm đẫm các tình huống thực tế có bối cảnh thực, giúp HS thấy toán học xuất phát từ thực tiễn và quay lại giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Quan điểm này cho phép SGK thực hiện được triết lý chung của bộ sách Cánh Diều là mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa (Tổng Chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp - bộ sách Chân trời sáng tạo): Thẩm thấu ý nghĩa của từng hoạt động để hiện thực hóa vào thực tiễn giáo dục học trò

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa.
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa.

Lần đầu tiên, hoạt động giáo dục trong nhà trường được biên soạn SGK. SGK Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6, thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo có thời lượng 105 tiết theo 9 chủ điểm, chủ đề, hướng tới 4 mạch nội dung: Hoạt động hướng vào bản thân, xã hội, tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp.

Các chủ điểm, chủ đề được thực hiện trong 3 loại hình bắt buộc: Sinh hoạt dưới cờ (1 tiết/tuần); Sinh hoạt lớp (1 tiết/tuần); Hoạt động giáo dục theo chủ đề (1 tiết/tuần). 

Mỗi chủ đề được bắt đầu bằng tranh và câu nói tựa đề phản ánh khái quát nội dung, ý nghĩa cốt lõi.

Trang định hướng nội dung giúp HS có cái nhìn tổng quát toàn chủ đề, và sự cụ thể hoá chúng trong mỗi nhiệm vụ cần thực hiện.

Điều này giúp HS rèn kĩ năng tư duy vấn đề, biết cách giải quyết vấn đề và xây dựng con đường phát triển cho bản thân.

Tất cả chủ đề được viết theo cấu trúc dựa trên chu trình trải nghiệm: Khám phá  Kết nối kinh nghiệm; Rèn luyện kĩ năng; Vận dụng – Mở rộng; Tự đánh giá. Việc thực hiện đầy đủ chu trình với nhiều hoạt động, nhiều tình huống phong phú, đa dạng nhưng đều hướng về mục tiêu giúp HS có nhiều cơ hội để rèn luyện đúng hướng – yếu tố quyết định để hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực.

SGK Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 đưa dung lượng đáng kể về kiến thức liên quan đến tâm sinh lí độ tuổi để HS hiểu bản thân và mọi người xung quanh.

Từ đó, có biện pháp điều chỉnh bản thân hiệu quả hơn, biết chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt.

Giáo dục tài chính, hướng nghiệp cũng là nội dung bắt đầu được đề cập một cách độc lập hơn ở lớp 6. HS được trải nghiệm những tình huống giáo dục tài chính, định hướng nghề nghiệp nên cảm nhận được thực tế rõ ràng, thú vị hơn.

Sách cũng giúp HS tự học, rèn luyện, đánh giá; cha mẹ HS hỗ trợ khi cần và giáo viên dựa vào đó để thiết kế các hoạt động khác nhau giúp HS đạt được mục tiêu đặt ra. 

Để thực hiện tốt chương trình, SGK Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6, thầy cô hãy dành tình yêu cho hoạt động này; hãy thẩm thấu ý nghĩa của từng hoạt động mà các tác giả đã chắt chiu để hiện thực hóa vào thực tiễn giáo dục học trò.

Bài 1: Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6: Bài học quý báu từ thực tế

Bài 2: Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6: Tháo gỡ khó khăn

Bài 3: Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6: Chống sốc cho học sinh đầu cấp

Bài 4: Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6: Giải pháp để không...mất gốc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy trò Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An trong giờ học.

'Hạ nhiệt' áp lực kỳ thi vào lớp 10

GD&TĐ - Năm đầu tiên đổi mới hình thức, nội dung thi vào lớp 10 THPT khiến nhà trường, thầy cô, đặc biệt học sinh lớp 9 và phụ huynh băn khoăn lo lắng.