Với những chiêu trò lách luật, lách thuế phí khiến xe Limousine trở thành đối thủ cạnh tranh không cân sức của các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, trong khi cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng trong quản lý hoạt động loại xe này.
Khi xe Limousine trá hình chiếm lĩnh thị trường vận chuyển khách
Đầu năm 2015, Công ty TNHH Phúc Xuyên (địa chỉ tại phường Yên Thanh, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) phát đi lời chào quảng cáo trên các trang mạng xã hội và cả trên website của công ty về chiếc xe Dcar Limousine được cải tiến từ dòng xe Ford Transit với mỹ từ đánh giá như: “Chuyên cơ mặt đất” chạy hợp đồng tuyến Quảng Ninh - Hà Nội với giá 200 nghìn đồng/người.
Thời điểm này, những chiếc xe 16 chỗ đã được cải tạo thành xe hạng sang Limousine 9 ghế ngồi rộng rãi của nhà xe Phúc Xuyên đã tạo ra một “cơn sốt” trên hành trình đi lại giữa 2 thành phố lớn Hà Nội - Quảng Ninh. Nhà xe Phúc Xuyên có lịch trình chẳng khác xe tuyến cố định nhưng lại cung cấp nhiều tiện ích, như: Đón trả khách tận nơi, không bắt khách dọc đường, sử dụng wifi miễn phí, điều hòa mát lạnh... nhanh chóng như thỏi “nam châm” hút hành khách.
Bởi lẽ, lâu nay quãng đường 180km từ Hà Nội đi Quảng Ninh và ngược lại họ đều phải di chuyển bằng những chiếc xe khách cũ kỹ, nóng bức, thường xuyên nhồi nhét khách cùng với hàng hóa, nhất là nạn bắt khách dọc đường gây mất thời gian.
Trong lá đơn cầu cứu gửi đến Thủ tướng Chính phủ,13 doanh nghiệp vận tải tuyến cố định và bến xe chuyên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh cũng chỉ rõ: “Ước tính hàng ngày có khoảng 25 tỉnh, thành có xe Limousine chạy vòng vo ở Hà Nội để đón trả khách, trong đó lượng lớn phương tiện chạy tuyến Quảng Ninh - Hà Nội khiến giao thông càng thêm ùn tắc, hỗn loạn. Cách thức hoạt động của xe Limousine cũng đang tạo ra vấn nạn bến “cóc”, trong khi xe khách liên tục phải chạy rỗng gây nguy cơ tuyến cố định bị phá vỡ”.
Theo các doanh nghiệp vận tải ở Quảng Ninh, 3 năm trở lại đây, thị trường vận tải hành khách ở Quảng Ninh như “miếng bánh ngọt” bị các hãng vận chuyển mang tên Limousine xâu xé. Hàng loạt doanh nghiệp vận tải đua nhau ra đời và đưa vào khai thác hàng trăm chiếc xe Dcar Limousine chỉ với một “lá bùa” phù hiệu xe hợp đồng. Để cạnh tranh trực tiếp với “chim én đầu đàn” Phúc Xuyên và các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, các công ty như: Hoàng Phú (36 xe), Trung Thành (7 xe), Hà Vy (14 xe), Anh Huy (8 xe), Vân Đồn Xanh (26 xe), Xuân Trường (4 xe)… đã rầm rộ cho ra mắt loại hình Limousine và núp bóng xe hợp đồng để chở khách chuyên tuyến cố định Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội và ngược lại.
Tình trạng xe Limousine bùng phát đã khiến cho các doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định “sống dở, chết dở”. Có những doanh nghiệp đã phải bán xe để chống lỗ hoặc buộc bỏ bến để ra đường bắt khách, biến mình thành xe “dù” nhằm hy vọng vớt vát được những hành khách lẻ dọc đường.
Ông Nguyễn Văn Chi, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Quảng Ninh, cho biết: “Hiện nay lượng “xe dù”, xe hợp đồng Limousine hoạt động nhiều, cạnh tranh công khai với các xe trong bến nên lượng khách vào bến đón xe ít dần, dẫn đến số lượng xe bỏ bến tăng lên. Tình trạng tranh giành khách, đánh chửi nhau cũng thường xuyên xảy ra giữa các nhà xe trong bến và xe hoạt động bên ngoài”.
“Từ năm 2017, đã bắt đầu có hiện tượng sụt giảm phương tiện ở Bến xe Móng Cái, sau đó lan dần sang khu vực Cửa Ông, Cái Rồng, Bãi Cháy. Hiện ở Bến xe Bãi Cháy giảm 7 xe, Cửa Ông giảm 29 xe, Móng Cái giảm 119 xe, chủ yếu giảm ở tuyến Hải Phòng, Hà Nội. Hiện nay, doanh thu của các bến xe đã giảm 20% so với đầu năm 2018”, đại diện Công ty CP Bến xe Quảng Ninh cho biết.
Vượt tầm kiểm soát cơ quan quản lýHành khách được tập trung bên trong quán cà phê núp bóng để chờ xe Vân Đồn Xanh Limousine
Theo thống kê từ Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Quảng Ninh), nếu năm 2017 trên địa bàn tỉnh có gần 700 phương tiện đăng ký hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, thì đến nay chỉ còn 538 phương tiện. Trong khi đó, cũng năm 2017 toàn tỉnh có 650 xe đăng ký hoạt động hợp đồng, thì nay con số này đã tăng gấp đôi, với tổng số 1.336 xe.
Nguyên nhân về sự phát triển “nóng” của xe hợp đồng là do xu thế phát triển kinh tế thị trường, loại hình vận tải đường bộ là xe Limousine ra đời đã thỏa mãn nhu cầu của hành khách. Tuy nhiên, đi cùng với những tiện ích, loại hình vận tải này lại đang nằm ngoài sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, trong số 1.336 xe hợp đồng đăng ký hoạt động tại Sở GTVT thì có đến 2/3 xe hoạt động như xe khách tuyến cố định, với thời gian và cung đường định sẵn.
Tháng 9/2018, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng chính thức thông xe, đưa vào khai thác tạo thành trục cao tốc hoàn chỉnh kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuyến cao tốc này đã rút ngắn 50km quãng đường từ Hà Nội đi Hạ Long (từ 180km xuống 130km) và rút ngắn thời gian từ 3,5 giờ xuống 1,5 giờ.
Kể từ đây, khoảng 1.300 phương tiện xe hợp đồng 16 chỗ và xe Limousine dưới 9 ghế núp bóng chạy chuyên tuyến cố định Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội vô tư tập trung khai thác tuyến cao tốc này. Trong khi, 531 xe khách tuyến cố định của 24 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn phải chạy theo luồng tuyến trên QL18 và QL10 với quãng đường và thời gian kéo dài. Tình trạng này càng khiến cho các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định rơi vào cảnh “đã nghèo còn gặp cái eo”.
Nhiều chiêu trò lách luật tinh viNhững chiếc phiếu thu vô giá trị được Công ty Hà Vy lập sẵn để qua mắt cơ quan chức năng và hành khách
Bằng các “thủ thuật” tinh vi, các doanh nghiệp xe khách hợp đồng dưới 9 chỗ (xe Limousine) dễ dàng lách luật và qua mắt lực lượng chức năng.
Trên trang web: http://vandonxanh.com của Công ty TNHH Vân Đồn Xanh, có địa chỉ tại khu 5, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh liên tục đăng tải những lời mời chào đặt vé xe Limousine tuyến Quảng Ninh - Hà Nội và ngược lại, kèm theo đó các số điện thoại của tổng đài để hành khách kết nối. Thậm chí, hệ thống mua vé trực tuyến trên trang web hoạt động chuyên nghiệp và bài bản giống tuyến cố định như: Điểm đi, điểm đến, ngày giờ, số hành khách… với tần suất 1 chuyến/tiếng từ 2h đến 20h với giá vé dao động từ 200.000 - 260.000 đồng/người.
Thậm chí, đầu tháng 5/2019, Công ty này đăng tải một bản tin thông báo về điều chỉnh giá vé (ghế đầu tăng 20.000 đồng/ghế (tức 220.000 đồng), các ghế giữa có giá 260.000 đồng/ghế và ghế cuối có giá 240.000 đồng/ghế. Ngoài ra, hãng xe này còn cố định luôn điểm đón khách là khu vực Việt Mỹ (Vân Đồn), xa nhất là khu công trường C.E.O đang xây dựng. Riêng đón trả khách ở khu vực từ thôn 6, xã Hạ Long (đối diện nhà nghỉ 1102) đến khu công trường C.E.O sẽ thu thêm phụ phí là 20.000 đồng/ghế.
Sáng 3/8, PV Báo Giao thông gọi điện để đặt vé từ Hạ Long đi Hà Nội. Theo lời hướng dẫn của nhân viên Vân Đồn Xanh Limousine, xe đón lúc 11h tại nhà riêng, vị trí ngồi ghế số 8 (ghế cuối) và sẽ chở về một địa điểm trên đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Đúng lịch, chiếc xe Limousine Vân Đồn Xanh BKS 14B-020.11 đến đón PV như đã đặt. Thời điểm này trên xe cũng đã có khoảng 4 -5 hành khách. Dù vậy, chiếc xe vẫn tiếp tục chạy về các khu du lịch Bãi Cháy, Tuần Châu để đón thêm khách, sau đó di chuyển lên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Sau khi dừng nghỉ tại một cửa hàng trên cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, tài xế đã trực tiếp thu tiền vé xe của từng hành khách với giá “niêm yết” theo vị trí ghế ngồi.
Sau hơn 2 tiếng di chuyển, chiếc xe chở khách về số nhà 22, ngõ 214, đường Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Tại đây, hành khách tiếp tục được hãng xe bố trí ô tô loại 4 và 7 chỗ trung chuyển trả về tận nhà.
Ghi nhận của PV, số nhà 22/214 đường Nguyễn Xiển mà chiếc xe Limousine Vân Đồn Xanh đưa khách về là một quán cà phê có tên “Green Coffee”. Tuy nhiên, đằng sau tấm biển cà phê lại là trụ sở làm việc của công ty này. Bên trong quán, chỉ có 5 nhân viên mặc đồng phục của Công ty TNHH Vân Đồn Xanh với 2 chiếc máy tính đang hoạt động điều hành vận tải hành khách và ký gửi hàng hóa. Còn phía ngoài cửa, 2 chiếc xe Limousine Vân Đồn Xanh đang xếp khách để chạy về Quảng Ninh.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Khánh, cán bộ địa chính đô thị UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) khẳng định: “Tại địa chỉ số 22, ngõ 214 đường Nguyễn Xiển không có bất kỳ đăng ký kinh doanh về lĩnh vực ăn uống hay dịch vụ vận tải của Công ty TNHH Vân Đồn Xanh. Những chiếc xe Limousine của Vân Đồn Xanh đang hoạt động như những chiếc xe dù và biến nơi đây thành bến cóc”.
Thiếu tá Nguyễn Tùy Tùng, Phó trưởng Công an phường Hạ Đình cũng thừa nhận: “Xe Limousine Vân Đồn Xanh thường xuyên tập trung tại khu vực số nhà 22, ngõ 214 và đơn vị đã nhiều lần xử lý vi phạm dừng đỗ trái phép. Tuy nhiên, về hoạt động điều hành vận tải ở địa chỉ trên thì công an phường chưa nắm được vì Công ty Vân Đồn Xanh không đăng ký trụ sở làm việc”.
Những phiếu thu trốn thuế phíTrên trang web chính thức của Công ty Vân Đồn Xanh vô tư chào bán vé và đặt chỗ với loại xe Limousine hợp đồng 9 chỗ
Chiều 7/8, PV tiếp tục gọi điện đến số 0969.255.255 của hãng xe Limousine Hà Vy, thuộc Công ty Cổ phần Hà Vy Quảng Ninh để đặt vé đi Hà Nội.
Theo lời chào mời của nhân viên, Limousine Hà Vy bắt đầu chạy tuyến Hạ Long - Hà Nội từ lúc 3h, kéo dài đến 18h. Với tuyến ngược lại, xe chạy từ lúc 4h30 cho đến 19h, tần suất 60 phút/chuyến có đón trả tận nơi với giá “niêm yết” từ 220.000 - 260.000 đồng/người theo vị trí ghế ngồi.
Khi PV hỏi về việc muốn lấy vé xe để thanh toán công tác phí, nữ nhân viên hồ hởi hướng dẫn: “Anh có thể gửi các thông tin cá nhân, tên đơn vị vào trong ứng dụng Zalo của Hà Vy Limousine để công ty xuất hóa đơn đỏ hoặc có thể nhận phiếu thu từ tài xế trên chiếc xe các anh di chuyển”. Tiếp đó, nữ nhân viên xác nhận đặt chỗ cho PV với chiếc ghế cuối giá 240.000 đồng.
Trên chiếc phiếu thu có đóng dấu đỏ của Công ty CP Hà Vy Quảng Ninh bao gồm: Họ tên người nộp tiền, địa chỉ, tổng số tiền… với các mục chữ ký của giám đốc, kế toán trưởng, người lập phiếu, thủ quỹ. Tuy nhiên, tất cả các đề mục trên đều để trống.
Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết: “Phiếu thu này không có giá trị đối với doanh nghiệp vận tải cũng như cơ quan của người xin về thanh toán công tác phí vì đây không phải chứng từ. Nếu đăng ký hoạt động vận tải hợp đồng mà bán vé là vi phạm đăng ký kinh doanh. Trường hợp xuất hóa đơn đỏ theo hợp đồng thì chấp nhận được nhưng không bao giờ cả một chuyến xe 9 chỗ từ Quảng Ninh đi Hà Nội mà chỉ có giá từ 200.000 - 260.000 đồng”.
“Việc đóng thuế dựa trên hạch toán kế toán, doanh số trên hóa đơn để kê khai thuế. Nhưng các đơn vị này lại không kê khai, không xuất hóa đơn là hành vi trốn thuế”, ông Minh nhấn mạnh.