Bát nháo thị trường hàng xách tay

GD&TĐ - Trên những trang mạng xã hội hay ngoài các cửa hàng lớn nhỏ đâu đâu cũng có thể mua được hàng xách tay (HXT) với đủ chủng loại, số lượng từ mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng, điện thoại, máy tính, trang sức... 

Bát nháo thị trường hàng xách tay

Tuy nhiên, hiện nay HXT đang trong tình trạng “bát nháo” thật giả lẫn lộn, làm khó cho người tiêu dùng (NTD), vì hầu hết người mua các sản phẩm này đều dựa vào niềm tin về xuất xứ của hàng hóa do người bán hàng giới thiệu, bởi phần lớn HXT là hàng trốn thuế, không hóa đơn, chứng từ..

Mua bằng... niềm tin

Được hỏi về tiêu chí lựa chọn HXT, hầu hết NTD đều cười và cho biết “mua bằng niềm tin”. Chị Nguyễn Thanh Tình (Minh Khai, Hà Nội) là nhân viên văn phòng của một cơ quan Nhà nước kể, có chị bạn cùng phòng rỉ tai nói có nguồn hàng mỹ phẩm xách tay do bà chị họ đi công tác ở Hàn Quốc mang về. “So sánh mẫu mã, giá cả trên thị trường đúng là rẻ hơn rất nhiều, đồng thời lại được chị bạn khẳng định yên tâm vì người quen xách về, tôi đặt mua khá nhiều loại. Ai ngờ khi mang về đến nhà mở ra mới phát hiện date sử dụng chỉ còn vài tháng”, chị Tình cho hay.

Tương tự, chị Nguyễn Trà My (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng thường xuyên mua các mặt HXT từ mối quen biết và gần như biết chắc chắn họ có người nhà ở Mỹ, Pháp, Hàn Quốc hay Nhật Bản... chuyển về. Nhất là mặt hàng thực phẩm chức năng, ở Việt Nam hàng giả nhiều lắm nên chủ yếu tôi mua HXT về từ Pháp và Nhật Bản. Mối quen này thường giá chênh cao hơn các nơi khác một chút, nhưng tôi vẫn mua vì mình tin họ sẽ không lừa dối mình”.

Là một hướng dẫn viên du lịch thường xuyên dẫn khách đi nước ngoài - chị Chu Ánh Nguyệt ở Phan Bội Châu, Hà Nội thường chờ các đợt sale off để mua thêm ít hàng như mỹ phẩm, quần áo hay một số thực phẩm chức năng... về bán kiếm thêm. “Hàng mình mua có đầy đủ bill mua hàng, tuy nhiên nhiều mặt HXT về Việt Nam, tính tiền gốc lấy hàng bên đó đã cao hơn giá các trang mạng rao rồi. Chẳng thể hiểu được nguồn gốc hàng hóa đó ra sao mà họ bán rẻ thế”, chị Nguyệt cho hay.

Không chỉ bán online, hiện ở Hà Nội nhiều cửa hàng bán đồ xách tay mọc lên như “nấm sau mưa”. Đặc biệt, “thiên đường” HXT “xịn” giá rẻ trên phố Nguyễn Sơn ở quận Long Biên, Hà Nội. Trên con phố này vốn là nơi có trụ sở của nhiều cơ quan hàng không, trong đó có trung tâm đoàn tiếp viên nên được biết đến là bãi tập kết HXT “xịn” của dân tiếp viên hàng không với giá rẻ chỉ bằng 2/3 so với hàng nhập khẩu chính hãng. Vì thế, trên con phố chỉ dài vài trăm mét này có đến hàng chục cửa hiệu treo biển “HXT” đủ loại hàng từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép, sữa đến đồ gia dụng… Có điều khá đặc biệt, tuy cùng một mặt hàng nhưng giá cả lại rất khác nhau, thậm chí chênh lệch đến vài trăm ngàn đồng so với các cửa hàng chính thức.

Buông lỏng quản lý

Có thể thấy, thị trường HXT hiện nay rất bát nháo, khiến NTD rất khó để phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng xịn. Theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương), tất cả hàng hóa từ nước ngoài mang về đều do phía Hải quan quản lý. Còn QLTT chỉ tiến hành kiểm tra những cơ sở kinh doanh HXT cố tình bán hàng giả nhãn mác, bao bì, xuất xứ hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài để trà trộn vào hàng thật đánh lừa NTD.

Trong quá trình kiểm tra, nếu không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thì bị xử lý theo quy định như hàng giả, hàng nhập lậu. Bên cạnh đó, NTD cũng cần xem sản phẩm xách tay như bất cứ sản phẩm tiêu dùng khác, việc đòi hỏi đơn vị kinh doanh cung cấp đầy đủ các thông tin của sản phẩm là điều cần thiết. Không nên vì “thương hiệu” xách tay mà tin tưởng tuyệt đối. Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân dẫn tới công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu vẫn còn kém hiệu quả. Sự phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, còn bị động trong việc phát hiện xử lý, chỉ khi nào có tố cáo, có chứng cứ rõ ràng mới tiến hành thực hiện.

Nói về trách nhiệm quản lý HXT, theo đại diện của Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) thì, hiện nay hệ thống pháp luật không có khái niệm “HXT” đối với hàng hóa. Bởi hàng được gọi là HXT có thể có nguồn gốc từ hàng nhập khẩu, hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu... Do vậy, việc kiểm soát những hàng hóa này khi lưu thông trên thị trường cần có sự kiểm soát của các cơ quan quản lý liên quan, cơ quan hải quan không có thẩm quyền. Bởi vậy, khi mua hàng NTD cần phải tìm hiểu rõ để xác định chất lượng, nguồn gốc hàng hóa...

Thị trường HXT hiện ngày càng trở nên bát nháo, giá bán mỗi nơi một khác, chất lượng nguồn hàng chưa được kiểm chứng khiến NTD rất khó phân biệt. Vì vậy, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng hải quan, công an, quản lý thị trường... cần có các biện pháp hữu hiệu nhằm siết chặt quản lý ngay từ cửa khẩu, sân bay quốc tế với những mặt hàng gắn mác “xách tay”, nhất là đối với những sản phẩm liên quan sức khỏe NTD như sữa bột trẻ em, thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: HUTECH

Doanh nghiệp 'săn' sinh viên giỏi dịp hè

GD&TĐ - Các trường đại học liên tục tổ chức ngày hội tuyển dụng với hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn cho sinh viên trong dịp hè.