Bát nháo… dịch vụ làm đẹp

GD&TĐ - Nhu cầu nâng cấp sắc đẹp của chị em phụ nữ ngày một tăng khiến các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên nhanh chóng, đặc biệt với các cơ sở có đeo thêm “bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc” thì càng hút khách hàng. 

Dịch vụ thẩm mỹ không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến nhiều hệ lụy
Dịch vụ thẩm mỹ không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến nhiều hệ lụy

Tuy nhiên, đến các cơ sở đó cũng chưa chắc an toàn, khi mà mới đây, tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương A&B (Yết Kiêu, Hà Nội) đã có một phụ nữ gặp biến chứng nguy hiểm sau khi phẫu thuật nâng mũi và ngực do một bác sĩ Hàn Quốc thực hiện.

Biến chứng nguy hiểm

Chị N.N.L (SN 1981, Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương A&B (Yết Kiêu, Hà Nội) với chi phí nâng ngực là 7.000 USD. Ngày 13/5, phẫu thuật cho chị L do BS Ha Jea Sung (quốc tịch Hàn Quốc) thực hiện. Bác sĩ này đã có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám chữa bệnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm này, bác sĩ này đã rời Việt Nam. Đến ngày 15/5, chị xuất viện nhưng ngực của chị xuất hiện hiện tượng rỉ máu, bầm tụ máu, gây đau đớn. Phía Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương giải thích có thể do cơ địa của khách hàng nên dẫn đến tác dụng phụ là ngực bị sưng tấy.

Ông Nguyễn Việt Cường (Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội) cho biết, dù không nhận được đơn thư phản ánh của bệnh nhân nhưng đoàn thanh tra Sở Y tế đã làm việc với bệnh viện. Đoàn thanh tra đề nghị bệnh viện tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị cho chị L theo đúng quy chế chuyên môn. Để làm rõ vụ việc này, cần thành lập hội đồng chuyên môn mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Ngoài ra, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra các điều kiện hoạt động của bệnh viện trên, đồng thời yêu cầu bệnh viện quan tâm, hỗ trợ gia đình chị N.N.L trong quá trình chăm sóc, điều trị. Sở Y tế Hà Nội cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền về pháp luật và yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm việc khám, chữa bệnh theo đúng quy định. Sở Y tế báo cáo kết quả xử lý sự việc về Bộ Y tế vào ngày 26/5.

Ông Nguyễn Việt Cường cho biết, hiện nay, nhiều người nhầm lẫn giữa dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Tất cả dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê phải thực hiện tại các khoa phẫu thuật thẩm mỹ của các bệnh viện như Việt Đức, Xanh Pôn, 108...

“Chữa cháy”… sau làm đẹp

Các bác sĩ thẩm mỹ ở các bệnh viện này chia sẻ rằng, đã từng nhiều lần “sửa sai” cho các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân. BS Nguyễn Tài Sơn (bệnh viện 108) đã chia sẻ với báo chí rằng, ông đã không ít lần phải mổ lại là do nâng ngực bị hỏng. Sau khi phẫu thuật, vòng một của bệnh nhân bị biến dạng, chảy xệ không giữ được hình dạng ban đầu và các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe khác. Sau khi khắc phục hậu quả, chị em mới có thể tiến hành làm lại ngực. Song, việc thực hiện nâng ngực lần thứ hai chỉ nên thực hiện sau ít nhất ba tháng. Khi các mô còn viêm, vết thương vẫn sưng, chị em tuyệt đối không làm lại ngực. Lúc này, các phẫu thuật viên rất khó dự tính chính xác kích cỡ của khung ngực mới, dễ dẫn tới việc bị co rút, nguy cơ nhiễm trùng cao.

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, cho hay, khi nâng ngực, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng từ ngày thứ 2 - 6, các dịch tiết chảy ra nhiều, ngực căng, đau nhức hoặc chảy dịch qua đường mổ. Với các trường hợp chảy máu, nhiễm trùng, bác sĩ sẽ nhanh chóng lấy các chất nâng ngực khỏi bộ phận này, cầm máu, khử trùng. Nặng nhất, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ toàn bộ phần ngực, tái tạo một bộ phận khác.

Theo các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, trong thời đại hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ, nhất là nâng ngực không chỉ dành cho những người lớn tuổi mà gần 20% những người trong độ tuổi từ 14 - 29, có người đã đi giải phẫu thẩm mỹ, có người đang dự tính hoặc ít nhất đã nghĩ đến việc đó. Rào cản lớn nhất để người trẻ tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ là chi phí quá đắt đỏ so mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện nay như giá nâng ngực là khoảng 7.000 USD như trường hợp bệnh nhân L kể trên.

Các chuyên gia cho rằng, các bác sỹ sẽ “thích” thực hiện các ca bệnh lý hay và khó cho người bệnh chứ không phải thay đổi hình dáng bên ngoài của chị em phụ nữ vì mục đích kiếm việc làm hay có cơ hội tìm được người bạn đời. Trên thực tế, họ vẫn ủng hộ vẻ đẹp quan trọng nhất vẫn là “nguyên bản” của người phụ nữ. Vì vậy, các bác sĩ thẩm mỹ khuyến cáo, chị em phụ nữ hãy thận trọng cân nhắc những mối nguy hiểm trước khi chọn bất cứ cuộc giải phẫu nào, nhất là cuộc giải phẫu không cần thiết cho sức khỏe. Bởi vì, đã có không ít người đã trả giá cho cuộc giải phẫu không những bằng tiền mà cả sức khỏe của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.