Bất ngờ tỷ lệ tử vong đột quỵ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đột quỵ do nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ tim hay não.

Ông L. bị đột quỵ cấp. Ảnh: BVCC .
Ông L. bị đột quỵ cấp. Ảnh: BVCC .

Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ gây tổn thương cho hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và thậm chí hôn mê.

Yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ giữa tháng 5 trở đi, thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển nắng nóng. Nền nhiệt tăng nhanh chóng, có những ngày lên đến 37, 38 độ C. Hình thái thời tiết này rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.

Trước đó, ngày 2/5, ông N.T.L (49 tuổi, Bình Thạnh) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cấp cứu trong tình trạng tê yếu nửa người trái, sức cơ yếu và thờ ơ nhẹ khi tiếp xúc, nói đớ. Theo người nhà, trước đó, ông L. vừa đi giao hàng ngoài chợ về.

Do trời nắng nóng, ông liền bật quạt số lớn và điều hòa mát lạnh để nằm nghỉ ngơi. Vài phút sau, ông thấy chóng mặt, đau đầu, đo huyết áp chỉ số 150/100 mmHg. Ông liền ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Sau đó, ông thấy miệng bên trái bị tê và méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, các bác sĩ nhận định bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ cấp. Các bác sĩ trung tâm cấp cứu đột quỵ Tâm Anh đã can thiệp cho người bệnh bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rTPA), tận dụng từng phút giây để kịp “giờ vàng”. Sau một giờ dùng thuốc, người bệnh hồi phục sức khỏe, không còn tình trạng nói đớ và tê yếu. Sau một tuần, ông L. đã phục hồi 90%, có thể làm việc.

BS.CKI Hoàng Tuyết Sương - Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh Tâm Anh cho biết, ông L. có tiền căn tăng huyết áp, hút thuốc lá, đái tháo đường và mỡ máu cao. Đây là các yếu tố nguy cơ của nhồi máu não. Chênh lệch nhiệt độ (như đang ngoài nắng vào nhà liền bật máy lạnh hoặc ngược lại...) và mắc các bệnh lý nền là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ Sương khuyên người dân nên lưu ý bảo vệ sức khỏe, tránh các yếu tố nguy cơ trên. Những người có bệnh nền nên đi tầm soát đột quỵ định kỳ nhằm phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn, kịp thời điều trị và thay đổi lối sống khoa học để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ sốc nhiệt

BSCKI Nguyễn Phương Trang - Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, những nhóm có nguy cơ cao bị sốc nhiệt và đột quỵ khi thời tiết nắng nóng là trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền mạn tính (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường…), người làm việc, vận động lâu dưới nắng nóng, người tiếp xúc đột ngột với môi trường nhiệt độ cao, người có lối sống thiếu khoa học (hút thuốc, uống nhiều rượu bia, béo phì…).

Trong đó, người có bệnh lý nền nếu không may bị sốc nhiệt, đột quỵ thì thường có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, những người đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, thuốc điều trị cao huyết áp… cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ cao hơn người bình thường.

Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi. Từ đó, gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả là làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: Mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 - 40 độ C), hôn mê…

Đa phần, sốc nhiệt do nắng nóng có thể tự khỏi sau khi người bệnh được nghỉ ngơi, uống đủ nước. Tuy nhiên, ở người có bệnh nền về tim mạch, huyết áp, sức đề kháng yếu thì sốc nhiệt do thời tiết nắng nóng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Trong khi đó, đột quỵ xảy ra bất ngờ nếu không được nhận biết và cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như liệt người, tê yếu chân tay, méo miệng, khó nói, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí tàn phế vĩnh viễn hoặc tử vong. TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, bất kỳ ai cũng có thể bị sốc nhiệt và đột quỵ trong thời tiết nắng nóng.

Vì thế, việc học cách nhận biết và xử lý khi có người bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng là vô cùng cần thiết.

BSCKII Nguyễn Viết Hậu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, nhiệt độ cơ thể chúng ta thích nghi nhất là khoảng 25 độ C. Trong khoảng từ 20 - 30 độ C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là nhờ có hệ thống điều hòa thân nhiệt có trung tâm nằm ở vùng dưới đồi thị hoạt động cùng với các bộ phận khác (da, tuyến mồ hôi và mạch máu) làm nóng và làm lạnh cơ thể.

Trung tâm này có chức năng giúp chúng ta thích nghi được với bất kỳ nhiệt độ nào. Tuy nhiên, đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá thì cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này.

“Đột quỵ do nhiệt là hình thái nặng nhất của các tai biến do nhiệt, xảy ra khi thân nhiệt lên tới 40 độ C hay cao hơn. Hậu quả thường là do ở lâu hay tập thể lực căng thẳng ở nơi có nhiệt độ cao, khiến cơ thể bị mất muối và nước kéo dài đi kèm với hoạt động quá tải của trung tâm điều hòa thân nhiệt nêu trên”, bác sĩ Hậu nêu.

Đột quỵ do nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ gây tổn thương cho hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và thậm chí hôn mê. Người dễ bị đột quỵ nhất là người cao tuổi và mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.