Ăn uống điều độ giúp ngăn ngừa đột quỵ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng để phục hồi và phòng ngừa đột quỵ.

Có thể ngăn ngừa tới 80% các cơn đột quỵ bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống. (Ảnh: ITN)
Có thể ngăn ngừa tới 80% các cơn đột quỵ bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống. (Ảnh: ITN)

Các chuyên gia cho biết có thể ngăn ngừa tới 80% các cơn đột quỵ bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống lành mạnh và hợp tác với bác sĩ.

Theo Ursula Ridens, một chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Sharp Grossmont (Hoa Kỳ) cho biết: “Duy trì huyết áp và mức cholesterol bình thường là hai yếu tố quan trọng để phục hồi sau đột quỵ và giảm nguy cơ đột quỵ”.

Cải thiện huyết áp

Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Một số chất dinh dưỡng và chất xơ rất quan trọng để kiểm soát huyết áp. Ridens khuyến nghị:

Ăn nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt là những loại có hàm lượng kali cao như táo, chuối, mơ, cam, dưa đỏ, bơ, khoai tây, khoai lang, rau bina, bí xanh và cà chua.

Ăn trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, chẳng hạn như bánh mì 100% làm từ lúa mì nguyên cám, gạo lứt, hạt diêm mạch, kiều mạch.

Đặt mục tiêu ăn ít nhất 2 cốc trái cây, 3 cốc rau và 3 muỗng ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày.

Bổ sung các nguồn thực phẩm giàu chất xơ. (Ảnh: ITN)
Bổ sung các nguồn thực phẩm giàu chất xơ. (Ảnh: ITN)

Bổ sung các loại thực phẩm từ sữa, có chứa canxi và kali - hai chất dinh dưỡng quan trọng giúp kiểm soát huyết áp.

Ridens cũng gợi ý rằng thay vì sử dụng muối bao gồm muối biển, muối Himalaya, muối nêm, muối tỏi và muối hành, hãy sử dụng các loại gia vị ít muối hoặc không chứa muối. Thường xuyên thêm hạt tiêu, bột hành, bột tỏi, tỏi băm nhỏ, rau thơm tươi hoặc khô, vỏ chanh và nước cốt chanh vào bữa ăn.

Ridens nói: “Hãy chú ý đến lượng muối nạp vào. Cố gắng chọn thực phẩm có ít hơn 300 miligam muối mỗi khẩu phần ăn.”

Tối ưu hóa cholesterol trong chế độ ăn uống của bạn

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt. (Ảnh: ITN)
Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt. (Ảnh: ITN)

Ridens cho biết để giảm sự tích tụ mảng bám trong mạch máu, điều quan trọng là phải cung cấp chất béo có lợi cho tim vào chế độ ăn uống.

Chọn chất béo không bão hòa có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu bơ, ô liu, quả bơ và các loại hạt. Không cần thiết phải tránh hoàn toàn chất béo bão hòa, nhưng mọi người nên lưu ý đến tần suất ăn chúng bao gồm thịt mỡ, bơ, kem, sữa nguyên béo, món tráng miệng và khoai tây chiên.

Bổ sung các nguồn thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan, để giúp quản lý cholesterol LDL - thường được gọi là cholesterol “xấu”. Các nguồn chất xơ hòa tan bao gồm bột yến mạch, xoài, quả sung, cam và đậu lăng.

Chọn thực phẩm là nguồn axit béo omega-3 tốt. Chúng bao gồm cá, hạt chia, hạt lanh và quả óc chó. Omega-3 giúp tăng cholesterol “tốt” (HDL) và giảm chất béo trung tính.

“Bạn không cần phải ăn chay để khỏe mạnh; tuy nhiên, ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật chắc chắn có những lợi ích của nó,” Ridens nói.

Thực phẩm nguồn gốc thực vật bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ thực vật, chẳng hạn như các loại hạt và đậu, sẽ giúp tăng lượng chất chống oxy hóa và giảm viêm.

Điều này đặc biệt quan trọng để giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim, Ridens giải thích: “Phong cách ẩm thực Địa Trung Hải là một cách tiếp cận để ăn uống lành mạnh cho tim. Chế độ ăn uống này có nhiều thực phẩm nguồn gốc thực vật.”

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt. Một nhà trị liệu có thể đánh giá khả năng nuốt của bạn, cung cấp các kỹ thuật để cải thiện khả năng nuốt và đề xuất thay đổi kết cấu của thức ăn và chất lỏng để ngăn thức ăn đi vào khí quản.

Duy trì hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất cũng có thể giúp duy trì huyết áp và cholesterol. Bạn nên tham khảo bác sĩ mức độ hoạt động dựa trên tiền sử sức khỏe của bạn.

Ridens nói: “Tìm các hình thức di chuyển mà bạn cảm thấy có ý nghĩa, thay vì ép buộc bản thân di chuyển theo những cách mà bạn sợ hãi”.

Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn lo lắng về nguy cơ đột quỵ hoặc có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị đột quỵ. Cùng với bác sĩ, bạn có thể xác định thay đổi lối sống và phương pháp điều trị thích hợp để giảm nguy cơ đột quỵ.

Theo Sharp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ