Với sải cánh dài 7,62cm và có nọc độc cực mạnh, ong bắp cày khổng lồ châu Á là loài ong bắp cày lớn nhất thế giới, được mệnh danh là “ong sát thủ”. Chúng có thể tàn phá tổ ong mật trong vài giờ và làm đứt đầu hàng trăm con ong mật trong tổ.
Các nhà côn trùng học thuộc Cơ quan Nông nghiệp bang Washington (WSDA) lần đầu tiên nhận được báo cáo về sự xuất hiện của những con ong bắp cày này vào tháng 12 năm ngoái và tuần này đã bắt được 2 con trong số chúng.
Những con ong bắp cày này được gắn thiết bị theo dõi, nhờ đó các nhà khoa học đã tìm thấy tổ của chúng bên trong một cái cây ở Blaine, bang Washington. WSDA có kế hoạch diệt trừ tổ “ong sát thủ” này trong ngày 24-10 (theo giờ địa phương).
Ong bắp cày khổng lồ châu Á được coi là loài côn trùng gây hại, và nếu nó xuất hiện tại bang Washington, WSDA cảnh báo rằng loài ong này sẽ có “tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe cộng đồng”.
Mặc dù ong bắp cày thường không tấn công người hoặc vật nuôi, nhưng nọc độc cực mạnh của chúng có thể đe dọa tính mạng con người nếu không điều trị kịp thời sau khi bị đốt.
Ở Nhật Bản, ong bắp cày khổng lồ giết chết từ 30 đến 50 người mỗi năm.