Thí sinh đến từ Quảng Ninh đặt câu hỏi: Em đạt hơn 24 điểm, có thể nộp vào ngành Y đa khoa của những trường nào ở khu vực phía Bắc.
TS Lê Đình Tùng cho biết, phổ điểm các em đã biết, điểm trung vị của khối B cả 3 môn: Toán – Hóa – Sinh khoảng 17,5. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố “điểm sàn” khối ngành sức khỏe. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của nhóm ngành Y đa khoa, răng hàm mặt là 21 điểm. Thí sinh được 24 điểm đã đủ điều kiện để xét tuyển.
Tuy nhiên, từ điểm 24 trở lên có khoảng gần 8.000 thí sinh. Trong khi 8 trường công lập đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe có tổng chỉ tiêu đào tạo khoảng 15.000.
Năm ngoái, Trường ĐH Y dược Hải Phòng điểm trúng tuyển Y đa khoa là 22 điểm. Cũng ngành này, Trường ĐH Y Hà Nội đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa có điểm chuẩn là 22,1 điểm.
“Với 24 điểm, để vào Y đa khoa của Trường Y ĐH Hà Nội hoặc Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh sẽ hơi khó. Với mức điểm này, để có cơ hội trúng tuyển vào Y đa khoa, thí sinh có thể cân nhắc để đăng ký vào một số trường như: Trường ĐH Y Dược Thái Bình, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên; Khoa Y Dược của Đại học Quốc gia Hà Nội …”- TS Lê Đình Tùng trao đổi.
Còn đối với ngành Y học cổ truyền, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 20 điểm. Điểm trúng tuyển vào ngành Y học cổ truyền của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2018 là 21,85 điểm. Trong khi chỉ tiêu ngành Y học cổ truyền cả nước là 560 chỉ tiêu (chưa tính số lượng Y học cổ truyền của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam). Với mức điểm 24,5, cả 2 ngành này thí sinh đều có cơ hội.