‘Bắt mạch’phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ cho con vào THPT

GD&TĐ - Thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào trường THPT gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận.

Phụ huynh túc trực bên ngoài Trường THPT Hoàng Cầu để nộp hồ sơ cho con. Ảnh minh họa/internet.
Phụ huynh túc trực bên ngoài Trường THPT Hoàng Cầu để nộp hồ sơ cho con. Ảnh minh họa/internet.

Dư luận băn khoăn, lo lắng

Tại Phiên họp thứ 24 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số thành viên nêu rõ thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào trường THPT gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận.

Do đó, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ tình trạng thiếu trường THPT công lập và có giải pháp giải quyết tình trạng này.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào trường THPT gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận.

Cùng với đó, áp lực đối với học sinh thi vào THPT ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là thực trạng diễn ra trong nhiều năm. Thi vào THPT còn khó hơn thi vào đại học, tình trạng này đã được cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh nhiều lần.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục vào cuộc vấn đề này, làm rõ có tình trạng thiếu trầm trọng trường THPT công lập hay không? Giải pháp để giải quyết vấn đề này trên thực tế như nào? Đề nghị đưa thêm tình trạng này vào báo cáo công tác dân nguyện.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Đề nghị đưa vào Báo cáo của Ban Dân nguyện

Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị với Chính phủ cũng như Bộ GD&ĐT để có những nghiên cứu sâu sắc, căn cơ hơn và có những giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề này.

Ông Nguyễn Đắc Vinh.

Liên quan tới vấn đề Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề cập, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tình trạng này diễn ra bởi một số nguyên nhân.

Theo đó, hiện nay, số lượng trường THPT thấp hơn so với trường tiểu học và trường THCS. Tỷ lệ học sinh từ THCS lên học THPT được giải quyết bằng điểm thi. Học sinh điểm cao hơn sẽ lựa chọn vào các trường theo nguyện vọng. Học sinh có điểm thấp hơn sẽ lựa chọn trường khác.

Ngoài các trường công lập, còn có các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề… Trong khi đó, nhu cầu của phụ huynh và học sinh muốn vào trường THPT, nhất là các trường công lập bởi chi phí thấp hơn rất nhiều so với trường tư thục. Đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh và phụ huynh nên cần phải nghiên cứu để giải quyết vấn đề này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Nêu thực tế tại Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận, thành phố đã rất cố gắng trong việc đầu tư xây dựng và phát triển trường, lớp. Tuy nhiên, song song với việc đầu tư trường học mới thì cũng xây dựng, cải tạo để nâng cao chất lượng trường học cũ dẫn đến kinh phí bị san sẻ, phần phát triển mới chưa hết được tiềm năng.

Cùng với đó, để xây dựng trường mới phải có quỹ đất, phải bố trí giáo viên. Trong khi đó biên chế giáo viên còn hạn chế. Thực trạng trên dẫn đến việc phát triển thêm trường học mới gặp khó khăn.

Đối với TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ, theo thống kê, dân số của địa phương có 9,2 triệu người nhưng ước tính cả dân số vãng lai khoảng 14 triệu người.

Như vậy, chênh lệch giữa thực tế và trên báo cáo khoảng 5 triệu người. Nếu không thống kê chính xác sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra chính sách phù hợp. Từ con số trên có thể thấy, TP Hồ Chí Minh hiện đang thiếu gần 7.000 phòng học. Để giải quyết căn cơ, tổng thể, Báo cáo của Uỷ ban đã đề cập tới vấn đề này.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Nhấn mạnh đây là bài toán không dễ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần tính toán cẩn thận.

Dân số hiện tăng ít, việc thừa, thiếu trường lớp là do dân dịch chuyển từ nông thôn lên các địa phương, đặc biệt là các đô thị. Số lượng giáo viên tại các địa phương không giảm nhưng các đô thị lớn tập trung đông dân lại thiếu giáo viên.

Trên tinh thần tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng cần ghi nhận nội dung này và đưa vào Báo cáo của Ban Dân nguyện.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây cũng là tình hình mà cử tri, Nhân dân lo lắng. Do đó đề nghị Báo cáo công tác dân nguyện bổ sung thêm tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ xin cho con vào học lớp 10, khó khăn hơn khi vào đại học. Vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp, đặc biệt là thiếu trường công lập.

Đồng thời đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo; phối hợp với Ban Thư ký ban hành thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để gửi đến các cơ quan, tổ chức thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.