Hà Nội báo cáo tuyển sinh lớp 10 sau yêu cầu của Thủ tướng

GD&TĐ - Sau yêu cầu của Thủ tướng, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố về tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024.

Học sinh Hà Nội thi tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024.
Học sinh Hà Nội thi tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trong những năm qua GD-ĐT Thủ đô ngày càng phát triển cả về quy mô trường, lớp và học sinh. Hằng năm, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND Thành phố thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo đúng quy định của Chính phủ, đồng thời triển khai nghiêm túc công tác tuyển sinh vào lớp 10 đảm bảo đủ chỗ học và đảm bảo quyền lợi cho học sinh trên địa bàn Thủ đô.

Dự kiến 60,9% học sinh vào trường THPT công lập

Năm học 2022-2023, toàn Thành phố có 129.210 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 250 học sinh so với năm học 2021-2022).

Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, năm học 2023-2024 số lượng học sinh và tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023).

Trong đó tuyển vào các trường công lập 77.480 học sinh, chiếm tỷ lệ 59,96% (trường THPT chuyên và có lớp chuyên gồm 4 trường, 2.480 học sinh, chiếm tỷ lệ 1,9%; trường THPT công lập không chuyên có 115 trường, 72.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 55,7%; trường THPT công lập tự chủ có 9 trường, 3.685 học sinh, chiếm tỷ lệ 2,85%; trường THPT công lập hiệp quản có 4 trường, 1.795 học sinh, chiếm tỷ lệ 1,39%).

Năm học 2022 - 2023, toàn thành phố Hà Nội có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục với 64.792 lớp.

Căn cứ kết quả tuyển sinh từ ngày 5-7/7, căn cứ nguồn học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào trường, tình hình thực tế và đề xuất cụ thể của Hiệu trưởng các trường THPT, ngày 10/7, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xem xét duyệt điểm chuẩn bổ sung cho 31 trường để đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh.

Dự kiến kết quả tuyển sinh của các trường THPT công lập là 78.623, chiếm tỷ lệ 60,9%, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023 (gồm 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên; 115 trường THPT công lập không chuyên; 9 trường THPT công lập tự chủ và 4 trường THPT công lập hiệp quản).

Tham mưu chính sách xã hội hóa giáo dục

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động Giáo dục, Y tế, Văn hoá và Thể dục thể thao; Quyết định số 20/2005/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Đề án“Quy hoạch phát triển xã hội hoá giáo dục giai đoạn 2005-2010”, ngày 17/7/2009, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 06/2009/NQ- HĐND về đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục đào tạo và y tế của thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2015;

Ngày 30/7/2009 UBND Thành phố ban hành Đề án số 104/ĐA-UBND về việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo của thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2015. Trong đó tỷ lệ huy động học sinh học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đến năm 2015 là 25% đối với giáo dục mầm non, 3% đối với giáo dục tiểu học, 5% đối với giáo dục THCS và 40% đối với giáo dục THPT.

Ngày 4/6/2019 Sở GD&ĐT tham mưu với UBND Thành phố việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho phát triển giáo dục giai đoạn 2019-2025, trong đó đề xuất mục tiêu cụ thể phù hợp với đặc trưng phát triển giáo dục và đào tạo của Thành phố, cụ thể:

Đối với cấp THPT, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ trường và số học sinh theo học tại các cơ sở ngoài công lập là 45,02% và 27,31% (trong đó, tại các quận đạt tỷ lệ 58,27% và 33,54%; các huyện đạt tỷ lệ 31,45% và 13,82%).

Học sinh Hà Nội thi tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Học sinh Hà Nội thi tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Triển khai công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS

Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ có đưa mục tiêu đến năm 2025 "Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%”.

Triển khai thực hiện Quyết định này, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 4/12/2018 về việc triển khai Đề án “Giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Năm học 2022 - 2023, thành phố Hà Nội có 2.177.000 học sinh; có 122.968 giáo viên và 65.264 phòng học, bình quân 33,6 học sinh/lớp. Trong đó, công lập có 2.245 trường với 48.550 lớp, 1.855.307 học sinh, 89.078 giáo viên và 46.962 phòng học, bình quân 38,2 học sinh/lớp.

Trường tư thục có 537 trường với 15.580 lớp, 300.860 học sinh, 32.225 giáo viên và 17.582 phòng học, bình quân 19,3 học sinh/lớp.

Trường hiệp quản và công lập tự chủ có 9 trường với 10.068 học sinh; 1 trường phổ thông dân tộc nội trú (cấp THCS có quy mô 12 lớp, 424 học sinh và cấp THPT có quy mô 12 lớp, 418 học sinh, 69 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 24 phòng học).

Trong đó phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp hoặc cơ sở GDNN-GDTX vừa đào tạo chương trình trung cấp nghề, vừa học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp THCS vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập là 60%.

Trong những năm qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Sở, ngành có liên quan tham mưu đẩy mạnh công tác phổ biến, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Kết quả đã triển khai thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Kế hoạch xây mới, thành lập mới trường học giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2021-2025, HĐND thành phố, UBND thành phố đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân sau khi hoàn thành chương trình THCS gồm:

Trường THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất); Trường THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); Trường THPT tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy); Trường THPT Việt Hưng (quận Long Biên); Trường THPT Uy Nỗ, Trường THPT Nguyên Khê và Trường THPT Việt Hùng ( huyện Đông Anh).

Trong giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Nội quyết tâm tập trung nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII (phấn đấu đến hết năm 2025, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên toàn Thành phố đạt tỷ lệ là 80-85%).

Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội, đến năm 2025 cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

7 giải pháp tăng cường cơ sở vật chất giai đoạn 2021-2025

Một số giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo, cụ thể như sau:

Giải pháp 1: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường THPT công lập giai đoạn 2021-2025 đã được UBND Thành phố ghi vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết 25/NQ-HĐND, Nghị quyết 02/NQ-HĐND về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; Kế hoạch số 139/KH-ƯBND về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Giải pháp 2: Rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp theo Quyết định số 3075/QĐ-ƯBND ngày 12/7/2012 của UBND Thành phố và trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa địa bàn Thành phố, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp học. Tham mưu UBND Thành phố cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường học công lập đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Giải pháp 3: Xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp.

Giải pháp 4: Tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, trường CĐ và trường ĐH ra khỏi khu vực nội đô ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn Thành phố, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Giải pháp 5: Tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận, huyện, thị xã theo 12 khu vực trên địa bàn Thành phố nhằm điều hòa hợp lý, đảm bảo chỗ học cho học sinh.

Giải pháp 6: Báo cáo và tham mưu Thành phố tăng cường nguồn lực tài chính và đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp học theo hướng đồng bộ, kiên cố hoá, hiện đại hoá và chuẩn hóa.

Giải pháp 7: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học.

Dự kiến tăng khoảng 28.912 học sinh lớp 9 trong 3 năm học tới

Căn cứ dữ liệu về học sinh phổ thông trên Cơ sở dữ liệu Ngành, dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tăng khoảng 28.912 học sinh tương đương khoảng 722 lớp, cụ thể:

Năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 134.942 học sinh, tăng khoảng 5.732 học sinh so với năm học 2023-2024.

Năm học 2025-2026 dự kiến có khoảng 129.890 học sinh, tăng khoảng 680 học sinh so với năm học 2023-2024.

Năm học 2026-2027 dự kiến có khoảng 151.710 học sinh, tăng khoảng 22.500 học sinh so với năm học 2023-2024.

Về quy mô các trường trung học phổ thông công lập (không tính trường THPT công lập tự chủ và trường THPT công lập hiệp quản):

Đến năm học 2024-2025, dự kiến có khoảng 121 trường (tăng 2 trường so với năm học 2023-2024).

Đến năm học 2025-2026, có khoảng 123 trường (tăng 4 trường so với năm học 2023-2024).

Đến năm học 2026-2027, có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023-2024).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...